Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 14:11
Thứ năm, 23/02/2023 13:02
TMO - Hai cây đa cổ thụ tại Đình Vạn Phước với tuổi đời trăm năm không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử mà còn gắn liền quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Cần Đước, Long An trong lịch sử.
Hai cây đa cổ thụ ở đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An) hàng trăm năm. Theo quan sát, 2 cây đa có đường kính gốc rất lớn, cao khoảng 30m, tán lá rộng khoảng 25m, cây đang phát triển tốt. Sau thời gian nghiên cứu phân tích, thẩm định, 2 cây đa này đủ điều kiện và được Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký Quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản được chính quyền địa phương tổ chức hôm 8/2. Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về dự và mở văn bia “Cây Di sản”. Cùng dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An.
Theo UBND huyện Cần Đước, bảo tồn Cây di sản Việt Nam là sáng kiến quan trọng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường, cải thiện đời sống người dân và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hình ảnh những cây cổ thụ trăm năm còn là sự kết nối truyền thống văn hóa của dân tộc.
Hai cây đa tại Đình Vạn Phước với tuổi đời trăm năm không chỉ có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử mà còn là chứng nhân gắn liền quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Cần Đước, Long An trong lịch sử. Việc 2 cây đa cổ thụ trong đình Vạn Phước được công nhận Cây Di sản Việt Nam là một vinh dự lớn cho địa phương. Chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước sẽ có biện pháp bảo vệ tốt 2 cây đa, đồng thời khai thác 2 cây di sản cùng với ngôi đình Vạn Phước phục vụ phát triển du lịch.
Trước đó, ngày 21/4/2018, cụm 10 cây me cổ thụ trong khuôn viên Chùa Rạch Núi, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc cũng được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Huyện Cần Đước nằm ở phía Đông Nam, thuộc vùng Hạ của tỉnh Long An, là một huyện ven biển, ba phía được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Vàm Cỏ. Phía Đông giáp huyện Cần Giuộc, phía Tây giáp huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành, phía nam giáp Thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, phía Bắc giáp huyện Bến Lức.
Nơi đây nổi tiếng với các ngành nghề truyền thống như: Nghề đóng ghe, Dệt chiếu, làm Bánh Phòng, Bánh in, chạm khắc gỗ ....cùng với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Bánh Phòng Chợ Đào, bánh in Long Hựu nhiều ngưới biết đến. Ngoài ra, còn là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Long An.
Phương Điền
Bình luận