Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Thứ hai, 11/07/2022 14:07
TMO - Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại tỉnh Hà Tĩnh đang diễn ra rất phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Đến nay, những giải pháp khắc phục đang mang tính tạm thời, chưa bền vững để ứng phó với những tác động phức tạp từ thiên nhiên.
Nan giải tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển
Hà Tĩnh là một trong những địa phương của khu vực Bắc Trung Bộ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hàng năm, mưa bão, lũ lụt đã nhấn chìm nhiều nhà cửa, tài sản của người dân, nhiều công trình bị phá hủy, công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra phải tốn rất nhiều công sức, tiền của của Nhà nước và Nhân dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức nghiêm trọng và ngày càng gia tăng về phạm vi ảnh hưởng. Hàng năm, chính quyền địa phương cùng người dân đã huy động nhiều nguồn lực để khắc phục, gia cố nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, chưa đảm bảo an toàn.
Tại huyện Cẩm Xuyên, hệ thống kè biển chắn sóng, ngăn nước mặn xâm thực vào đất liền ở xã Cẩm Nhượng được xây dựng từ năm 2003 với tổng chiều dài hơn 1 km. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, thời gian gần đây, tuyến kè biển bắt đầu xuất hiện những điểm sạt lở, sụt lún, tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là vào mùa mưa bão sắp đến.
Hệ thống kè biển chắn sóng, ngăn nước mặn xâm thực vào đất liền ở xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 1000 hộ người dân.
Điều đáng nói, tuyến kè biển này có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành lũy chắn sóng vững chắc bảo vệ cho hơn 1.000 hộ dân các thôn Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam và thôn Chùa. Tuy nhiên, sau nhiều năm chịu áp lực của triều cường, tuyến kè này đã xuống cấp và hư hỏng nhiều, chính quyền và người dân đã nhiều lần sửa chữa nhưng không thể khắc phục dứt điểm.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở tại bờ sông Rác (khu vực xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên), hàng năm cướp đi nhiều diện tích đất nông nghiệp, hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục khiến người dân địa phương lo lắng trước thực trạng đất sản xuất bị thu hẹp.
Tại huyện Nghi Xuân, bờ sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, mỗi năm bị sạt lở thêm 5 - 7m với chiều dài sạt lở khoảng 1,5km làm mất nhiều ha đất canh tác của hàng chục hộ dân nơi đây. Tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục hiện hữu mỗi ngày vì nơi đây chưa có bờ kè chống sạt lở.
Theo ông Trần Đức Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, tình trạng sạt lở dọc sông Lam qua địa bàn diễn ra nhiều năm nay, bình quân mỗi năm sạt lở sâu vào thêm khoảng 5 - 7m, nhất là những năm có lũ lụt lớn đã thu hẹp đất sản xuất hoa màu của khoảng 50 - 60 hộ dân. Khoảng 5 năm trở lại đây, đất màu của người dân ở khu vực này đã bị sạt lở, sông lấn vào khoảng 3 đến 4 ha.
Bờ sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân), mỗi năm bị sạt lở thêm 5 - 7m với chiều dài sạt lở khoảng 1,5km làm mất nhiều ha đất canh tác của người dân.
Tại huyện Hương Khê, tình trạng hồ đập xuống cấp đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở, lún sụt thân hoặc nền đập, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du khi mưa bão ập đến.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, tính đến năm 2022, địa bàn có trên 26 công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, theo tính toán tổng kinh phí vượt quá khả năng của địa phương.
Tại huyện Vũ Quang, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu (đoạn qua thôn Liên Hòa xã Đức Liên), đã diễn ra trong nhiều năm đe dọa tuyến đường giao thông và nguy cơ ảnh hưởng tới tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn. Ngoài ra, tuyến đường trục xã tại địa bàn xã Quang Thọ cũng bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng mưa lũ từ năm 2019 nhưng tới nay vẫn chưa được khắc phục, nguy cơ cao mất an toàn cho việc đi lại của người dân.
Tại huyện Hương Sơn, gần 1km bờ sông Ngàn Sâu (đoạn qua thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc), cũng bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân đang bị “ăn mòn” hàng năm. Ngoài ra, tại địa bàn huyện Đức Thọ, huyện Kỳ Anh… cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất do các trận mưa lũ vừa qua gây ra, đến nay việc khắc phục sửa chữa còn gặp nhiều khó khăn.
Tốn nhiều kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ
Theo tìm hiểu, từ năm 2020 - 2022, Hà Tĩnh đã trích 27,5 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) hỗ trợ các địa phương sửa chữa, nâng cấp các công trình PCTT. Bên cạnh đó, năm 2020 và năm 2021, Hà Tĩnh đã được Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng bị thiệt hại sau mưa lũ, tỉnh đã phân bổ kịp thời cho các địa phương, đơn vị để khôi phục, nâng cấp cơ sở, hạ tầng PCTT.
Từ năm 2018 đến nay, Hà Tĩnh đã tập trung nguồn lực để tu bổ, nâng cấp và xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng kinh phí ước tính hơn 861 tỷ đồng.
Một điểm tại Sông Ngàn Mọ ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị sạt lở sát vào nhà dân trong trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020, hiện nay đã được đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các sở ban ngành liên quan phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các phương án, tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng của các hồ, đập và một số điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn để tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa, khắc phục các công trình hồ, đập xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình đê điều đã xuống cấp, nhiều điểm sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mua bão vẫn chưa có phương án khắc phục.
Trả lời Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cho biết, trong những năm gần đây do biến đổi của khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường và phức tạp, ngày càng xuất hiện nhiều hình thế thời tiết cực đoan, lượng mưa phân bố không đều, gia tăng lượng mưa lớn bất thường vào mùa mưa lũ đã tạo ra dòng chảy lớn, nguy cơ sạt lở cao.
Theo ông Bá, về nguyên tắc cơ bản nhất của phòng chống thiên tai là phòng người chủ động, cần quy hoạch các khu dân cư, các công trình xây dựng hạn chế bố trí ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần bám sát các thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai để phòng ngừa ngắn hạn. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn những khu vực nào xung yếu nhất để xây dựng trước. Về an toàn hồ đập, cần có vốn đầu tư rất lớn, nếu không có làm mới thì phải thường xuyên có kinh phí duy tu bảo dưỡng để hạn chế rủi ro.
“Năm nay dự báo thời tiết khá phức tạp, mưa lũ có thể xảy ra sớm, vào tháng 10 tháng 11, không khí lạnh rất dễ kết hợp với các hình thế khác gây ra các trận mưa lớn bất thường, theo thống kê cho thấy năm nào có pha La Nina (là hiện tượng lớp nước biển ở bề mặt lạnh đi dị thường) như năm nay, mưa lũ cần phải hết sức lưu ý”, ông Bá chia sẻ.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã lập kế hoạch thực hiện đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 với kinh phí dự kiến 715 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh này cũng đã đề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngân sách chống sạt lở bờ sông, bờ biển để hỗ trợ thêm để xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với kinh phí ước tính 250 tỷ đồng.
Đến nay, các giải pháp khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra tại địa bàn Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp, tu bổ các công trình đã xuống cấp hư hỏng nặng, vì vậy, về lâu dài chưa có thể ứng phó với những tác động từ thiên nhiên, vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Ngọc Ấn
(Phóng viên khu vực Bắc miền Trung)
Bình luận