Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ tư, 07/06/2023 23:06
TMO - Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng, huyện Hà Quảng đã và đang tích cực triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với các nhóm giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, có ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.
Mô hình trồng ớt tại xã Thanh Long, huyện Hà Quảng.
Là địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, đề ra các chương trình trọng tâm, giải pháp về phát triển nông nghiệp. Thực hiện Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hà Quảng đã tích cực vận động nhân dân thay đổi tư duy, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Trong đó, huyện Hà Quảng quy hoạch sản xuất nông nghiệp phân thành 2 vùng tập trung. Vùng cao Lục Khu tuy còn khó khăn về nước tưới, thiếu đất sản xuất, song, người dân luôn cần cù, chịu khó; sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: cây lạc L14, gừng trâu, ngô, đỗ tương, sả, ớt; chăn nuôi lợn đen, bò Mông… Vùng thấp phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như cây thuốc lá, lúa, ngô ngọt, các loại dưa; một số cây ăn quả: quýt, bưởi da xanh; làng nghề, dịch vụ du lịch, nuôi cá lồng…
Cán bộ khuyến nông huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng hướng dẫn người dân xóm Lũng Mần, xã Sóc Hà kĩ thuật trồng cây lạc đỏ để phát triển kinh tế gia đình.
Một trong những mô hình có thể kể đến như mô hình trồng ớt có diện tích 10,48 ha với 106 hộ tham gia trong đó có 41 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, 65 hộ khác, 100% hộ là hộ đồng bào dân tộc miền núi tại địa bàn xóm Biên Cương, xóm Bản Gải, xóm Bản Ngẳm, xóm Nà Pàng, xóm Nà Lủng, xã Cần Yên; xóm Phia Khao, xã Yên Sơn; xóm Bình Minh, xóm Táp Ná, xóm Bình Tâm, xã Thanh Long mục tiêu chính của Dự án là giúp định hướng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển diện tích ớt hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác từ đó giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
Tại xã Sóc Hà (Hà Quảng) hiện có 7 xóm, hơn 700 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Là xã thuần nông, cuộc sống vài chục năm trước của người dân chỉ tạm đủ ăn. Để nâng cao thu nhập, một số hộ mạnh dạn đưa các loại cây công nghiệp như lạc, đỗ, thuốc lá vào canh tác. Các loại cây này hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên năng suất khá cao, giá bán ổn định đã góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích gieo trồng cho người nông dân. Nhiều hộ còn xây dựng chuồng trại để nuôi lợn nái, nuôi trâu bò vỗ béo theo hướng gia trại với thu nhập cao gấp cả chục lần trồng ngô, cấy lúa.
Ông Quách Văn Ém (xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà) phấn khởi cho biết, từ chăn nuôi lợn, mỗi năm đã cho gia đình ông có lãi khoảng 100-120 triệu đồng: “Trước kia gia đình tôi vất vả lắm, sau quyết tâm chọn chăn nuôi lợn. Từ con lợn tôi làm được nhà xây, mua được ô tô rồi. Sóc Hà bây giờ khá lắm rồi, gần như bà con thoát nghèo hết, đồng ruộng có kênh mương 3 mặt, có đường liên thôn, liên xã, đường ra tận ruộng, sạch sẽ, văn minh lắm rồi”.
Năm 2019, Sóc Hà đạt xã Nông thôn mới với tất cả các tiêu chí hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ và các thiết chế văn hóa, tiêu chí môi trường, an ninh trật tự,... thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 40 triệu đồng/năm. Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân, Sóc Hà xác định tiếp tục phát triển các loại cây trồng như lạc, thuốc lá và thử nghiệm một số loại cây như mắc-ca hay cây mít da xanh, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại.
Các vùng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao như gừng trâu, ớt hữu cơ, mô hình sản xuất trong nhà màng cũng được huyện tập trung triển khai xây dựng, mở rộng diện tích.
Mô hình trồng dâu tây tại xóm Nặm Ngùa, xã Ngọc Động là một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai từ tháng 11/2022 với diện tích 2.000 m2. Mô hình được UBND huyện Hà Quảng hỗ trợ cho nhóm du lịch cộng đồng xóm Ngặm Ngùa thực hiện với 15 hộ tham gia, trong đó Nhà nước hỗ trợ cung cấp vật tư để lắp đặt thiết bị tưới tiết kiệm gồm các vật liệu như: máy bơm, téc nước, hệ thống tưới nhỏ giọt, ống dẫn, khóa; cung ứng 9.000 cây giống để trồng và trồng dặm; hỗ trợ màng phủ và phân bón cho 1 vụ đầu với các loại phân bón lót, phân bón hòa tan qua hệ thống tưới nhỏ giọt và các chế phẩm sinh học canh tác an toàn. Tổng kinh phí đầu tư mô hình trên 202 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 172 triệu đồng; các hộ dân đối ứng các vật tư, công cụ khác cần cho sản xuất và ngày công lao động trên 60 triệu đồng.
Mô hình trồng dâu tây kết hợp du lịch trải nghiệm tại xóm Nặm Ngùa, xã Ngọc Động, huyện Hà Quảng.
Để mô hình đạt hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành khảo sát địa hình, thổ nhưỡng địa phương, lựa chọn giống dâu tây phù hợp. Trong quá trình triển khai mô hình, các cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã trực tiếp xuống hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây đạt năng suất, giảm sức lao động và tiết kiệm thời gian cho việc chăm sóc. Qua đó, người dân cũng đã nắm bắt được các công đoạn từ làm đất đến phơi ải, khử khuẩn đất, sử dụng phân bón sinh học theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, hiện nay, cây dâu tây đã cho thu hoạch. So với các cây trồng khác, dâu tây có ưu điểm là nhanh ra quả, đạt năng suất, sản lượng ổn định, có giá trị kinh tế cao hơn với giá bán trung bình từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Một năm, dâu tây có thể cho thu hoạch 2 vụ, ước tính 1 vụ có thể cho thu nhập 280 triệu đồng với diện tích 2.000 m2.
Thời gian qua, huyện Hà Quảng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị, một số sản phẩm đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp, hợp tác xã, như: Công ty TNHH một thành viên Viện thuốc lá, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Trần Minh cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm thuốc lá; Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) với sản phẩm gừng, nghệ, sả, ớt và một số cây dược liệu quý hiếm; Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hòa An đầu tư và bao tiêu lúa thương phẩm chất lượng cao, lạc…
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện có 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: Khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô Đinh Đông, rượu ngô Cải Viên, Mế Farmstay, lạc đỏ địa phương, lạc đỏ Lục Khu, lạp sườn lợn đen. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký bao bì, nhãn mác cho 2 sản phẩm: mẻ cá Sóc Hà và gạo Đoàn kết địa phương.
Thời gian tới, huyện Hà Quảng tiếp tục thực hiện các mục tiêu: chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành hàng chủ lực; nghiên cứu trồng thử nghiệm mô hình cây dược liệu tại các xã có điều kiện thích hợp; đẩy mạnh Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tạ Thành
Bình luận