Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ hai, 21/04/2025 11:04
TMO - Dự án giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được thực hiện từ năm 2025-2027 với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng.
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam với tổng diện tích lưu vực là 10.035 km2. Lượng mưa hàng năm trên lưu vực sông từ 2.000-4.000 mm và được phân bố như sau: từ 3.000-4.000 mm ở vùng núi cao như Trà My, Tiên Phước; từ 2.500-3.000 mm ở vùng núi trung bình như Khâm Đức, Nông Sơn, Quế Sơn; từ 2.000-2.500 mm ở vùng núi thấp và đồng bằng ven biển: Tây Giang, Đông Giang, Ba Na, Hội Khách, Ái Nghĩa, Giao Thuỷ, Hội An, Đà Nẵng.
Về tài nguyên nước mặt, hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn có tổng lượng dòng chảy mặt hệ thống sông Thu Bồn vào khoảng 24 tỷ m3. Ngoài ra còn có 2 tầng chứa nước dưới đất. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nước trên lưu vực không dồi dào, luôn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Phân bố dòng chảy không đều là một trong những nguyên nhân thiếu nước trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Biến đổi khí hậu được dự báo tác động lớn đến tài nguyên nước trên lưu vực sông, mưa được dự báo tăng trong mùa mưa, giảm trong mùa khô. Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. Quá trình mặn hóa, xâm thực bờ biển, ngập lụt và sạt lở bờ sông cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, vấn đề đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số làm gia tăng yêu cầu cấp nước cả về số lượng và chất lượng, gia tăng các hoạt động xả thải nhất là nước thải chưa được xử lý đúng quy chuẩn kỹ thuật... gây sức ép lên chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang đối mặt với những vấn đề lớn như suy giảm dòng chảy môi trường, xói lở bờ sông và sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ quét, cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của khu vực.
Nhiều giải pháp được triển khai nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Ảnh: HS.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, mới đây Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) khởi động Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông tại các nước ASEAN” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Tại Việt Nam, dự án được thực hiện từ năm 2025 - 2027 với tổng kinh phí 737.400 USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng), chủ yếu trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ thuộc TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Dự án lựa chọn triển khai các hoạt động trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý bền vững và hiệu quả lưu vực sông và vùng biển ven bờ thông qua việc áp dụng các giải pháp liên ngành, bao gồm cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải rắn (rác) và duy trì dòng chảy môi trường.
Cục Môi trường, các Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan, các chính quyền địa phương, cộng đồng dọc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cùng các bên liên quan sẽ là các đơn vị trực tiếp, gián tiếp thực hiện, tham gia vào dự án và tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, tăng cường năng lực về quản lý, quản trị từ nguồn ra biển.
Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả tích cực về môi trường mà còn có thể được nhân rộng đến các quốc gia tham gia dự án thông qua việc nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác. Do đó, các cơ quan chức năng liên ngành, liên bộ tại các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những vấn đề còn tồn đọng ở các lưu vực sông và khu vực ven biển.
Việc này sẽ góp phần cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là tại khu vực thượng nguồn, đồng thời kiểm soát tốt các hoạt động gây ô nhiễm tại hạ lưu. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các khu vực lưu vực sông vốn đang chịu nhiều sức ép.../.
Hà Trang
Bình luận