Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Thứ tư, 13/07/2022 21:07
TMO - Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là việc xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp (KCN), 35 cụm công nghiệp (CCN), hơn 160 làng nghề và làng có nghề. Nhằm cải thiện chất lượng môi trường trong quá trình sản xuất tại các đơn vị này, Sở TN&MT Thanh Hóa chú trọng công tác kiểm tra chất lượng quan trắc, giám sát hoạt động môi trường như môi trường nước, không khí, khí thải...
Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức hoạt động đánh giá chất lượng hệ thống quan trắc tự động, gắn với việc thực hiện lấy mẫu phân tích đối chứng, giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng số liệu theo đúng quy định; phối hợp kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; góp phần đưa ra các giải pháp kịp thời để quản lý nâng cao chất lượng môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh giám sát chặt chẽ các thông số dữ liệu về quan trắc chất lượng môi trường tại các KCN
Để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, địa phương đã đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động tại một số điểm nóng và nhạy cảm về môi trường. Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2633/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, cố định tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số khu vực trọng điểm của tỉnh.
Hiện nay đã lắp đặt 1 trạm môi trường không khí xung quanh tại khuôn viên trụ sở Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn ; 1 trạm quan trắc môi trường nước biển ven bờ tại cảng nước sâu Nghi Sơn, với thông số quan trắc nhiệt độ, PH, độ đục, độ dẫn nhiệt...
Nhằm chủ động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa ra nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề theo đúng quy định.
Trong đó, các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải; khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng.
Sở TN&MT tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề
Các phòng, ngành chức năng và các địa phương có làng nghề phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhân rộng mô hình đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội, cụm dân cư bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện để kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư.
Trong đó, chú trọng tới việc xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các khu, cụm công nghiệp và làng nghề ; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Thường xuyên giám sát các số liệu quan trắc môi trường, thực hiện quản lý vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. Nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, đánh giá chất lượng nước thải, khí thải tại các doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.
Vũ Lam
Bình luận