Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Chủ nhật, 04/09/2022 15:09
TMO - An ninh môi trường như một hiện tượng bức bách của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, chất lượng môi trường đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống của con người.
Như đã nêu tại (Bài 1), Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức về an ninh môi trường, nên vấn đề cấp bách là phải có giải giáp, bởi an ninh môi trường đang đe dọa tới sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ con người. Theo các chuyên gia, cần triển khai 4 giải pháp, cụ thể sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân và doanh nghiệp, về môi trường và an ninh môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong các trường học, lớp bồi dưỡng kiến thức tập trung và trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, nhằm sớm hình thành và thường xuyên củng cố ý thức bảo vệ môi trường cho mọi công dân và doanh nghiệp. Thống nhất nhận thức xã hội, coi nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác trong nếp sống văn hóa của mỗi người, gắn kết chặt chẽ an ninh môi trường với các hoạt động kinh tế, xã hội.
Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trọng tâm là: Hoàn thiện và duy trì nghiêm hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật về môi trường, bổ sung những quy định mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong quản lý nhà nước về an ninh môi trường. Sớm bổ sung các văn bản hướng dẫn cụ thể, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật với nhau như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, Luật Khoáng sản,... Bổ sung các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường và khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống công cụ kinh tế môi trường nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Đặc biệt, cần sớm xây dựng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức và năng lực của tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý.; xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa cơ quan bảo vệ môi trường và cơ quan phòng chống tội phạm về môi trường; đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo an ninh môi trườn . Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, chủ động xây dựng, tổ chức diễn tập các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, bão, lũ, động đất, sóng thần và thảm họa thiên nhiên. Tăng cường đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội; chủ động ngăn chặn các xung đột về môi trường giữa nước ta với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có chung lợi ích. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa và xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, với các chế định trách nhiệm tài chính, hành chính và hình sự đủ sức ngăn đe các cá nhân và tổ chức, pháp nhân vi phạm quy định pháp luật về môi trường.
Thứ ba, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn và thân thiện với môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm; nuôi trồng các cây giống, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về an ninh môi trường và đảm bảo an ninh môi trường , xác định rõ các nguy cơ đe dọa đến an ninh môi trường và các giải pháp thích ứng. Đẩy mạnh công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng; nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ du nhập các sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, cấp phép trong hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên…
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Môi trường có tính toàn cầu. Bảo vệ môi trường cần có sự hợp tác quốc tế rộng rãi với các nước trên thế giới nhằm xây dựng các cơ chế, nguyên tắc chung trong xử lý các vấn đề môi trường và huy động nguồn lực tài chính, khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường. Thời gian tới, cần tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế, như: Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)…và tăng cường hợp tác với chính phủ các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, các nước có lợi ích chung trong bảo đảm an ninh môi trường.
[An ninh môi trường] Đối diện nhiều thách thức (Bài 1)
Quốc Dũng
Bình luận