Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ sáu, 01/11/2024 06:11
TMO - Mới đây UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đăng ký đất đai. Theo đó, Văn phòng ĐKĐĐ có chức năng thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính…trên địa bàn.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 638/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai là tổ chức đăng ký đất đai, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Văn phòng Đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin đất đai; cung cấp dịch vụ công về đất đai và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước khác về đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Cụ thể, Khoản 2, điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP nêu rõ nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai đó là thực hiện đăng ký đất đai đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thực hiện đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, thực hiện đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận, hủy kết quả đăng ký biến động trên giấy chứng nhận; Kiểm tra mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng mẫu Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật; Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật…
Thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai quy định tại Điều 154 Luật Đất đai;
Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật; Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng đăng ký đất đai; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về các lĩnh vực công tác được giao…
(Ảnh minh hoạ).
Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản, hoạt động theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; hạch toán theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thì thu phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận gồm kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ, tính thống nhất về nội dung thông tin giữa các giấy tờ thuộc thành phần hồ sơ, các điều kiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai; đối với các công việc còn lại của thủ tục thì thu dịch vụ theo giá cung cấp dịch vụ công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Về cơ cấu tổ chức, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai gồm giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Đơn vị có 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm: Phòng Hành chính-Tổng hợp, Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận, Phòng Kỹ thuật-Địa chính, Phòng Thông tin-Lưu trữ và Phòng Kế hoạch-Tài chính (các phòng chuyên môn có trưởng phòng, không quá 2 phó trưởng phòng); có 17 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại 17 huyện, thị xã, thành phố (chi nhánh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản, hoạt động theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; có giám đốc, không quá 2 phó giám đốc).
Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ có trách nhiệm quản lý số lượng người làm việc của đơn vị để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
Về cơ chế tài chính, tài sản, Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2), thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện cơ chế tài chính hạch toán phụ thuộc Văn phòng ĐKĐĐ. Việc quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.
Thu Hằng
Bình luận