Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 06:04
Thứ bảy, 12/04/2025 14:04
TMO - Hội đồng Cây Di sản (trực thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa thông qua danh sách gần 150 cây cổ thụ tại các tỉnh, thành trên cả nước đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong đó tỉnh Lâm Đồng nhiều nhất với 108 cây.
Theo thông tin từ Hội đồng Cây Di sản, các cây được công nhận lần này đều có tuổi đời hàng trăm năm, phân bố tại nhiều địa phương gồm TP. Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Long An,
Đặc biệt, nhiều cây cổ thụ gắn liền với di tích lịch sử, đình làng, chùa chiền và các địa danh văn hóa, mang giá trị đặc biệt về sinh học, lịch sử – văn hóa và tâm linh. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đứng đầu về số lượng (108 cây cổ thụ) được xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản trong đợt xét lần này. Tất cả đều là cây thông hai lá dẹt, có tuổi từ 400 đến 730 năm, chu vi thân từ hơn 3 mét đến gần 6 mét, ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (nằm trên địa giới hành chính xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương).
Đứng thứ hai trong danh sách này, là tỉnh Tuyên Quang (25 cây) và tất cả đều là những cây nghiến cổ thụ, chu vi thân từ 2,5 đến 4,5 mét (có tuổi từ 350 đến gần 1.000 năm) ở thôn Biến, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: GB).
Tỉnh Hà Giang có 04 cây gồm 01 cây gạo, 02 cây đa và 01 cây nhội ở Tổ dân phố 1, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Trong đó, cây gạo gần 200 năm, đường kính thân gần 2 mét, cao 28 mét; 02 cây đa trên 200 năm, chu vi thân hơn 8 mét và cây nhội khổng lồ hơn 200 năm và có chu vi thân tới 5 mét.
Tiếp đến là tỉnh Long An, với số lượng là 03 cây me ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành. Trong đó, 2 cây me được trồng trong khuôn viên đình Vĩnh Bình (ấp 3, xã Vĩnh Công) có tuổi gần 200 năm và 01 cây me ở ấp 5, được trồng cách đây 147 năm bên Lăng mộ lãnh binh Đoàn Ngọc Sỹ – người có công phò nhà Nguyễn, chống Thực dân Pháp xâm lược.
Tỉnh Thái Bình có 02 cây cổ thụ ở thôn Đan Hội, xã Quang Trung, huyện Hưng Hà vào danh sách Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này. Đó là cây ruối khổng lồ hơn 700 năm, chu vi thân tới 4,8 mét và cây đa hơn 200 năm, chu vi 15,8 mét.
Các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), mỗi nơi chỉ có 01 cây cổ thụ được xét công nhận đủ tiêu chí công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể là cây muỗm được trồng trong khuôn viên đình làng Lưu Khê, thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cách đây hơn 200 năm; cây thị được trồng trong khuôn viên chùa Hoàng Mai, phường Đồng Thái, quận An Dương (Hải Phòng) cách đây hơn 100 năm và cây chòi mòi chua (giới cây cảnh gọi là Linh sam) có tuổi 105 năm của vườn cây cảnh Đông Phương, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Được biết, danh sách gần 150 cây cổ thụ trên đã được Hội đồng Cây Di sản trình Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét, quyết định công nhận.
Việc công nhận Cây Di sản không chỉ góp phần gìn giữ nguồn gen quý hiếm, mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh, bảo tồn thiên nhiên và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Sự kiện vinh danh “Cây Di sản Việt Nam” được triển khai từ năm 2010, qua 15 năm đã có hơn 8.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Thu Phương
Bình luận