Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 16:01
Chủ nhật, 15/01/2023 15:01
TMO – Ba quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại Điện Biên, Sơn La và Hà Giang được công nhận Cây Di sản Việt Nam trong năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã thẩm định, xét duyệt và công nhận gần 10 quần thể cây cổ thụ trên cả nước là Cây Di sản. Cụ thể, gồm:
Quần thể trên 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở 2 thôn Sín Chải, Hấu Chua (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên); Quần thể 5 cây Chò xanh trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phu Canh, Đà Bắc, Hòa Bình; Quần thể trên 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; Quần thể 36 cây săng lẻ (bằng lăng) tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông;
Quần thể 22 cây xà cừ trong khu di tích lịch sử văn hoá Đền Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá); Quần thể trên 1.300 cây chè Shan tuyết tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); Quần thể gần 40 cây cổ thụ thuộc 3 loài thực vật ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước); Quần thể 6 cây Chò xanh cổ thụ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hoá).
Ngoài ra, trong năm 2022 vừa qua, gần 100 cây cổ thụ đơn lẻ khác ở nhiều địa phương trên cả nước cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản. Đặc biệt trong số này có 3 cây Chò xanh từ 400 đến trên 500 năm tuổi ở thôn Tân Phúc, xã Tú Lệ, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) và cây nghiến cổ thụ trên 1000 năm tuổi, cây sấu trên 700 năm tại tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là những cây cổ thụ khổng lồ vào loại bậc nhất của nước ta được bảo vệ tới ngày nay.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (người duy nhất đến thời điểm hiện tại được phong Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN) chia sẻ: “Chúng ta đã nói quá nhiều đến việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng thực tế cho thấy còn quá ít những hành động thực tế về việc này. Do đó, hoạt động Bảo tồn Cây Di sản sau 12 năm hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ cộng đồng và các địa phương, trở thành phong trào chăm sóc, bảo vệ cây xanh, lan toả những hành động đẹp và rất ý nghĩa.
Hoạt động bảo tồn cây cổ thụ “Cây Di sản” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010. Đến nay đã có trên 6.000 cây và hàng trăm quần thể cây cổ thụ trên cả nước đã được công nhận Cây Di sản (trong đó có nhiều cây cổ thụ ở biên giới và ngoài hải đảo). Hoạt động này là hành động thiết thực trong công tác bảo tồn nguồn gen; giáo dục thế hệ trẻ, cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, góp phần phát triển bền vững.
Bùi Hoàng
Bình luận