Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/07/2025 22:07
Thứ năm, 17/07/2025 10:07
TMO – FAO đánh giá cao sáng kiến OCOP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 với mục tiêu thúc đẩy các sản phẩm nông sản địa phương chưa được khai thác hết tiềm năng, đưa chúng vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tầm nhìn của Việt Nam về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.
Từ thực tiễn triển khai hơn 7 năm qua, chương trình OCOP của Việt Nam không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu 'Bốn tốt hơn' mà còn xác định và phát huy lợi thế sản phẩm chiến lược của từng địa phương, từng quốc gia, trên cơ sở tôn trọng bản sắc, khai thác bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu. Trên cơ sở đó, việc thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ và thị trường giữa các quốc gia để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững.
Nhằm cùng nhau phát triển chương trình OCOP gắn với mục tiêu 'Bốn tốt hơn' của FAO, các quốc gia Nam bán cầu cần tăng cường hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, người lớn tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến khích thí điểm mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng nhằm huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật và tri thức bản địa phục vụ phát triển nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
(Ảnh minh họa)
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP hôm 15/7 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, Việt Nam là một quốc gia năng động, đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực chuyển đổi nông nghiệp bền vững. "Đây là lần đầu diễn ra sự kiện trao đổi kiến thức giữa các nước châu Phi và Việt Nam, cho thấy điểm sáng về phát triển nông nghiệp và hợp tác quốc tế ở nơi đây.
Phó Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, giữa khu vực, đặc biệt khi các nước châu Phi và châu Á đang cùng đối mặt với những thách thức tương đồng về phát triển nông nghiệp. Tổ chức này đánh giá cao sáng kiến OCOP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 với mục tiêu thúc đẩy các sản phẩm nông sản địa phương chưa được khai thác hết tiềm năng, đưa chúng vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại.
Theo Phó Tổng Giám đốc FAO, Chương trình OCOP không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước…/.
LÝ LAN
Bình luận