Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ sáu, 19/08/2022 08:08
TMO - Bộ Giao thông Vân tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi để TP. Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu Depot và dự án theo thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Tổ hợp ga Ngọc Hồi (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Theo Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao, ngày 22/3, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi. Theo đó, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu của đường sắt quốc gia và UBND TP Hà Nội đầu tư các hạng mục khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các hạng mục thuộc đường sắt quốc gia trong tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu Depot và dự án theo thẩm quyền.
Di chuyển ga Hà Nội để "nhường" chỗ cho dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi.
Dự án đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, thời gian thực hiện từ năm 2007-2017; đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến thực hiện từ năm 2017-2024. Dự án có tổng mức đầu tư đến nay trên 80.000 tỷ đồng.
Từng là chủ đề “nóng”
Đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô trước đó đã từng là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới chuyên gia và các nhà khoa học. Theo giới chuyên gia, nếu di chuyển cả hệ thống ra thì các hệ thống đường ray cho đến hệ thống nhà ga phải được di dời hết, như vậy thì vô cùng tốn kém, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài. Nhiều chuyên gia nêu quan điểm: xây dựng nhà ga hành khách thì không tốn kém nhiều nhưng cả khu nhà ga chính và các tuyến đường ray là vô cùng quan trọng, đặc biệt phải kết nối thêm cả mấy chục km đường ray là vấn đề vô cùng khó khăn, không đơn giản.
Chuyên gia phân tích, ga Hà Nội là điểm kết nối của 6 tuyến đường sắt bao gồm đường sắt đô thị và đường sắt Bắc - Nam, hiện hệ thống đường sắt này chưa hề có điều chỉnh lớn. Đặc biệt, trong quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 2011, cũng đã khẳng định rõ các hệ thống tuyến đường, trong đó có tuyến ga này phải được giữ nguyên. Ngoài ra, ga Hà Nội là di sản nên phải thận trọng trong đề xuất. Mặt khác, nên tôn trọng quy hoạch đã được phê duyệt, nếu thay đổi thì phải điều chỉnh toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong đó có các tuyến đường sắt công cộng.
Đặc biệt, trong các văn bản, Luật cao nhất đó là Luật thủ đô cũng có câu "Quy hoạch chung đã được phê duyệt là cơ sở để phát triển và quản lý đô thị của thủ đô Hà Nội, nếu làm thay đổi thì phải cân nhắc, thận trọng". Do đó, việc di chuyển ga Hà Nội là không hợp lý về quy hoạch, về tầm nhìn xa và cả về bảo tồn giá trị di sản".
Một chuyên gia về giao thông bày tỏ quan điểm việc di chuyển ga Hà Nội sẽ giảm bớt mức độ tập trung ở ga, nhưng xét về mặt vận tải, quy hoạch giao thông, nhìn nhận một cách khách quan, hợp lý và khoa học, thì việc di chuyển nhà ga lại cần phải cân nhắc. Chuyên gia này phân tích về lợi ích của việc đặt ga ở trung tâm thành phố, "Thứ nhất, chúng ta sẽ tạo được một đầu mối giao thông, từ đó liên kết với các phương tiện khác, nghĩa là kết nối hạ tầng giao thông. Thứ hai, việc để ga ở trung tâm sẽ giảm bớt cự li đi lại và lưu lượng đi lại giữa các tuyến với nhau".
Việc đưa ga ra ngoài trung tâm thì sẽ phá vỡ kết nối giao thông đô thị và nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, như ga Hà Nội hiện nay, sau này quy hoạch phía dưới sân ga có tàu điện ngầm, bên cạnh là trạm xe bus và các điểm đỗ taxi, khi làm được như vậy, rõ ràng khi người dân có nhu cầu muốn đi các địa phương như TP. HCM, Hải Phòng, Lào Cai, thì có thể đi bằng các phương tiện giao thông đến đó rồi lên tàu. Ngược lại, nếu hành khách ở các nơi về Hà Nội, đến ga cũng có ngay tàu điện ngầm, phương tiện công cộng để di chuyển đến nơi khác thuận tiện.
Thứ hai, khi đưa ga ra ngoài thì người dân trong thành phố muốn đi đâu thì phải sử dụng các phương tiện đi ra ngoại thành để đi tàu hỏa, nếu như vậy sẽ gây lộn xộn, bất tiện, mất trật tự an toàn giao thông hơn rất nhiều. Mặt khác, nếu muốn chuyển ga ra ngoài cũng phải mất vài chục nghìn tỷ trong khi người Pháp đã chọn vị trí nhà ga như vậy là khá hợp lý. Nếu cả hệ thống ga được đưa ra ngoài, có hàng chục đôi đường sắt, xây dựng lại hết sức đắt tiền, khi đó, mạng lưới, kết nối giao thông sẽ bị phá vỡ, gây lãng phí, chồng chéo, khó khăn cho người đi lại.
Trước đó, hồi tháng 8 năm 2017, Công an TP. Hà Nội đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm nhằm mục đích loại bỏ xung đột giao thông và giảm tai nạn giao thông đường sắt. Việc này sẽ giúp nhìn nhận lại quy hoạch giao thông lâu dài không chỉ riêng của ngành đường sắt mà còn là quy hoạch về bến bãi, giao thông đô thị của Hà Nội.
Lê Hùng
Bình luận