Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 06:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Du lịch Tây Bắc: Tiềm năng lớn nhưng hiệu quả khai thác chưa cao

Thứ hai, 02/10/2023 15:10

TMO – Phát triển du lịch khu vực Tây Bắc trong những năm gần đây tuy có nhiều chuyển biến, hiệu quả nhất định nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của khu vực. 

Tây Bắc là một vùng rộng lớn gồm các tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái). Nơi có khí hậu thuận lợi với nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 độ C, khí hậu chia thành 2 mùa mưa và mùa khô. Một số nơi ở khu vực có địa hình cao, khí hậu mát mẻ. Nguồn tài nguyên sinh vật khá phong phú và đặc trưng với các khu bảo tồn thiên nhiên như: Khu bảo tồn Xuân Nha (Sơn La), Mường Nhé (Điện Biên)…Vùng có 24 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc của Việt Nam, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy... Cuộc sống sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc được gìn giữ nhiều nơi còn khá nguyên vẹn với những điệu múa sạp, múa xòe, hát then, đàn tính, múa khèn là những nét sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Thái, Tày, Mông... Các chợ phiên đầy màu sắc trên vùng cao, như: chợ Bắc Hà nơi tập trung của những sắc màu thổ cẩm; những sinh hoạt truyền thống đặc sắc, như: chợ tình Khâu Vai, những lễ hội Lồng Tồng... còn nguyên vẹn các giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đặc biệt, khu vực Tây Bắc sở hữu nhiều phong cảnh núi rừng, thung lũng, hồ nước tuyệt đẹp. Đây được xem là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, văn hóa.

Trải nghiệm, khám phá ruộng bậc thang vùng cao là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh vùng Tây Bắc.

Theo thống kê, năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19), tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc đạt gần 35 triệu lượt khách, tăng 70,5% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế đạt gần 5 triệu lượt, tăng 52%, doanh thu đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 30,6%. Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch. Đến nay, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Đầu tiên phải kể đến là mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình “Du lịch về cội nguồn” từ năm 2005. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng phát triển nhờ việc kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch, như: “Cội nguồn đất Tổ”, “Đất ngọc Lục Yên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao” đã thu hút du khách. Du khách được tìm hiểu phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, thưởng thức những món đặc sản dân tộc độc đáo, khám phá hang động tại vùng cao Tây Bắc. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” là sự kiện lớn có quy mô cấp vùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú nhằm thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc.

Đặc biệt, mô hình liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án “Cung đường Tây Bắc”, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch. Mô hình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến mới. Trước những biến động đó, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã phối hợp, liên kết chặt chẽ; kiên trì thực hiện mục tiêu chung theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, nhận được sự đồng thuận và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, do đó các chỉ tiêu của ngành du lịch tiếp tục duy trì tăng trưởng hợp lý và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Lượng du khách đến các tỉnh trong khu vực đã tăng đáng kể qua các năm, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá tại từng địa phương. Nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở khu vực cũng đang khẳng định thương hiệu, được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ.

Gần đây nhất là Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững". Chương trình liên kết này nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch.

Tuy nhiên, ngoài những thành quả đã đạt được trong những năm qua, du lịch Tây Bắc cũng đang tồn tại không ít hạn chế trong liên kết vùng phát triển du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc. Sau một thời gian dài phát triển, tình trạng manh mún trong du lịch vẫn còn khá phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc. Do chưa được liên kết và quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù nên chưa phát huy được thế mạnh du lịch từng vùng, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau. Chẳng hạn, nhiều tỉnh phát triển ồ ạt du lịch cộng đồng, nhưng đều là một mô hình: ngủ nhà sàn, ăn cá nướng, xem văn nghệ, cải biên mô phỏng dân gian. Tình trạng manh mún, trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương diễn ra khá phổ biến. Điểm hạn chế nhất của các mô hình du lịch ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng là chưa xây dựng được cơ chế chính sách mang tính chất tiểu vùng phù hợp với tính đặc thù của vùng và tiểu vùng, chưa hình thành được thể chế quản trị chung để điều phối trên phạm vi toàn Vùng. Hoạt động du lịch về cơ bản vẫn mang tính khép kín trong từng địa phương. Vì vậy, kết quả liên kết còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Mặc dù Tây Bắc đã bắt đầu hình thành một số mô hình liên kết và chương trình liên kết phát triển du lịch và đã có kết quả nhất định, số lượng khách du lịch đến Tây Bắc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung, các mô hình này chưa theo hướng bền vững, cụ thể: Các mô hình thiếu liên kết theo chiều dọc và chiều ngang, thiếu liên kết theo không gian lãnh thổ và liên kết liên ngành, chưa chú ý đến liên kết doanh nghiệp; Chưa dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn về liên kết kinh tế vùng và liên kết du lịch, chưa tạo thành chuỗi liên kết; Do tính đặc thù của Tây Bắc, nên trong thực tiễn việc liên kết du lịch trên phạm vi toàn Vùng là khó mang lại hiệu quả cao. Hầu hết các mô hình và chương trình liên kết du lịch vẫn chủ yếu là liên kết về quảng bá, xúc tiến, nặng về hình thức.

Một số mô hình còn coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện luân phiên, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, về quy hoạch, về đầu tư…, còn ít được coi trọng hoặc chưa thực hiện được. Cơ chế hợp tác chưa thể hiện rõ sự ràng buộc trách nhiệm của các tỉnh trong việc tham gia vào các hoạt động chung, dẫn đến kết quả triển khai các hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng giáp danh giữa các tỉnh chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến việc liên kết tổ chức các tuyến du lịch trong khu vực và vẫn thiếu sự nghiên cứu, tư vấn của các chuyên gia.

Theo các chuyên gia, để khắc phục các hạn chế nêu trên, các địa phương trong vùng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế liên kết hiệu quả. Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, khó có điều kiện để liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Do đó, muốn liên kết phát triển du lịch về không gian phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Cần xây dựng các tiểu vùng khác nhau và được kết nối bởi các tuyến đường giao thông tương đối thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch. Cần có “nhạc trưởng” chỉ đạo phát triển du lịch cấp toàn vùng để định hướng về các chủ trương chiến lược phát triển du lịch toàn vùng, điều phối những vấn đề liên quan mà cấp tỉnh và cấp tiểu vùng không thực hiện được.

Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và gìn giữ các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương (tuyệt đối không nên để trùng lặp sản phẩm du lịch). Thực tiễn ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch na ná giống nhau. Mỗi tỉnh tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng về du lịch là vấn đề quan trọng để phát huy thế mạnh. Hoạch định các chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, do ở các thị trường khách du lịch khác nhau thì có đặc thù khác nhau, nên các tỉnh trong vùng cần chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, thực hiện các chương trình xúc tiến điểm đến chung Tây Bắc tại các sự kiện, hội chợ chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Tây Bắc gắn với thu hút thị trường khách từ nơi khác. Cần có chính sách ưu đãi nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển kỹ năng nghề, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển giao thông có tính chất động lực phát triển vùng nhằm tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn.

Một điều rất quan trọng trong phát triển du lịch nhỏ lẻ và liên kết quy mô rộng là đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, di sản thiên nhiên và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng văn minh, lịch sự, hiện đại. Cụ thể, cần xây dựng hệ thống hạ tầng, tổ chức thu gom, xử lý chất thải trong hoạt động du lịch một cách kịp thời, triệt để gắn với đẩy mạnh tuyên truyền ý thức, nhận thức người dân, du khách, xây dựng chế tài, tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường. Quản lý chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ xâm lấn, tác động xấu đến cảnh quan, di sản thiên nhiên và dẹp bỏ tình trạng chèo kéo, giá sản phẩm không phù hợp, kinh doanh dịch vụ mang tính chộp giật và cơ hội.

 

 

Bài, ảnh: TÚ QUYÊN

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline