Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ ba, 01/02/2022 14:02
TMO - Người làng Đằng Chương duy trì tục rước lửa đêm giao thừa đồng nghĩa với việc bảo tồn, lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của cha ông.
Rước lửa đêm giao thừa là một trong những lễ tục có từ xa xưa của người dân xã Yên Ninh, huyện Ý Yên (Nam Định). Không chỉ thể hiện lòng thành kính, ghi nhớ công ơn đối với Tổ nghề, ngọn lửa đỏ trong đêm giao thừa còn tượng trưng cho ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi người gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc.
Đêm giao thừa, khi kim đồng hồ chỉ số 0, báo hiệu thời khắc đón năm mới đã đến, ngọn lửa thiêng từ đình Phủ La Xuyên được tế tử Ninh Văn Chiêu trịnh trọng rước từ điện thờ ra sân đình. Từ đây, lửa được châm vào hàng trăm ngọn đuốc do các chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi chờ sẵn. Cứ thế, ngọn lửa theo chân mọi người tỏa về thắp sáng khắp các ngõ ngách trong làng. Không có tiếng pháo, nhưng từ đầu làng đến cuối xóm đã ngập tràn tiếng cười và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Cả làng rộn rã không khí đón xuân sang.
Theo người dân địa phương, ngọn lửa đêm giao thừa ấm áp xua tan khí lạnh, đem lại niềm tươi sáng cho mọi người, đồng thời cũng là may mắn, “cái đỏ” của đầu năm.
Lửa rước từ đình làng, người dân đưa về xông đất, xông nhà, kính cẩn châm nén hương thơm thắp lên bàn thờ gia tiên rồi nhóm lên bếp lửa đỏ, cầm bó đuốc khua khắp nhà để xua đi những xúi quẩy, đen đủi của năm cũ. Những gia đình không có thanh niên đi rước lửa thì hàng xóm láng giềng đem lửa của nhà mình sang xông nhà mừng tuổi, chúc gia đình năm mới có nhiều sức khỏe, may mắn. Với ý nghĩa đó, người làng Đằng Chương không bao giờ để tắt ngọn lửa đỏ linh thiêng suốt 3 ngày Tết.
Rước lửa đêm giao thừa là nghi thức để tưởng nhớ Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng, một vị tướng thời Đinh Lê có công truyền dạy nghề mộc cho dân làng. Người ra đình rước lửa phải là con trai và con gái chưa chồng. Việc rước lửa từ điện thờ ra sân đình rồi truyền cho từng người phải thực hiện tuần tự, trang nghiêm, tạo không khí linh thiêng nơi cửa đình vào thời khắc giao thừa. Người khai điện phải là người sống hài hòa với dân làng, gia đình nề nếp, làm ăn khá giả và nhiệt tâm giúp dân làng hầu thánh, khai điện.
Theo tìm hiểu, tục truyền lửa ngoài ý nghĩa mang lại may mắn cho năm mới, ghi nhớ công ơn của ông tổ làng nghề, là còn bởi bao đời qua, người Đằng Chương duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống này để truyền ngọn lửa đam mê, giáo dục trách nhiệm giữ nghề cho con cháu.
Hàng ngàn ngọn lửa được các trai làng truyền tay cháy bập bùng trong đêm trừ tịch. Tiếng lửa tí tách như xóa tan không gian tĩnh lặng của đêm tối, gợi nên bao ước mơ, kỳ vọng về một khí thế phát triển mới cho làng nghề. Lòng người rạo rực đón xuân sang. Người Đằng Chương duy trì tục rước lửa đêm giao thừa đồng nghĩa với việc bảo tồn, lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của cha ông mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Thế Huy – Việt Thức
Bình luận