Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 21/01/2022 11:01
TMO - Trong cấu trúc đô thị, không gian xanh là một bộ phận không thể tách rời gắn với đặc điểm văn hóa - xã hội - tự nhiên, cấp độ phát triển và thời kỳ lịch sử khác nhau của mỗi vùng, miền. Không gian đô thị xanh khá đa dạng và phong phú tùy thuộc vào tính chất, chức năng như công viên, cây xanh đường phố, các mảng xanh gắn với không gian mặt nước (ven sông, hồ, kênh, bờ biển...).
Quy hoạch phải có tầm nhìn và thực hiện đúng
Theo Kiến trức sư Nguyễn Hồng Thục (Viện trưởng Nghiên cứu định cư), đô thị Hà Nội từ thời Pháp thuộc để lại hơn 100 công viên, vườn hoa, hồ nước (trong đó có hồ Tây, hồ Gươm, hồ Hale là những không gian công cộng nhiều cây xanh, 50 vườn hoa kề cận khu dân cư), kiến trúc cảnh quan chú trọng đến từng cụm công trình, nhà ở với không gian thiên nhiên để người dân gặp gỡ, thư thái trong đời sống đô thị vốn nhọc nhằn.
Đến thời kỳ XHCN đã xây dựng thêm nhiều công viên, hồ lớn. Đáng tiếc, thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 2000, thành phố cõng thêm toàn nhà cao tầng, nhà ống phân lô bán nền, khiến không gian xanh (KGX) càng thưa vắng, chưa kể nguy cơ tiềm ẩn hệ lụy từ các “đô thị - phòng ngủ” tạo gánh nặng bất ổn sau này.
Không gian xanh là một phần không thể tách rời trong cấu trúc đô thị.
Chúng ta có các quy hoạch bài bản nhưng thực hiện không đúng. Thế nên, dù có tốn kém tiền của trong vài chục năm cũng không thể tạo ra những cấu trúc xanh như những thời kỳ trước. Có lẽ chỉ còn phương pháp tận dụng những khoảng trống còn lại trong lòng thành phố (vốn đã bị khiếm khuyết về tự nhiên) để cải tạo bằng mô hình đô thị kim châm, tức là dùng những cấu trúc xanh nhỏ để cộng dồn thành KGX trong từng ngõ, phố.
Những vườn hoa, mặt nước, hồ ao gần khu dân cư thì giao cho dân lập tổ tự quản cộng đồng quản lý khai thác và lấy thu bù chi để giữ gìn, bảo tồn tự nhiên còn sót lại. Cấp phép xây dựng phải bảo đảm quy chuẩn, quy rõ trách nhiệm bất cứ ai cấp phép, xâm phạm, lấn chiếm không gian mở, KGX trong quy hoạch đều bị xử lý nghiêm. Chủ đầu tư dự án xây nhà ở phải có nghĩa vụ tạo dựng không gian công cộng, KGX cho người dân nơi đó theo quy hoạch.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng móc ngoặc, “đi đêm” giữa chủ đầu tư, nhóm lợi ích với chính quyền đô thị (CQĐT) và cơ quan hữu quan khiến quy hoạch KGX bị biến dạng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm đem lợi ích cho số ít người.
Phát triển KGX phải được đưa vào nội dung chiến lược trong các Nghị quyết của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với những kế hoạch triển khai cụ thể từng năm, có sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng. Nên thành lập cơ quan chuyên trách quản lý KGX trong sở chuyên ngành để giám sát, quản lý và phát triển KGX một cách bền vững. CQĐT nên mở các diễn đàn lắng nghe ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để tham khảo, tính toán đầu tư phát triển KGX phù hợp theo hình thức xã hội hóa.
Hoàn thiện, bổ sung kịp thời các quy định về phát triển và quản lý cây xanh đô thị
Theo Phó Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Đặng Anh Thư: Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định có liên quan đến phát triển và quản lý cây xanh đô thị, rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về công viên cây xanh (CVCX) trong đó lồng ghép các yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu là đòi hỏi từ thực tiễn. Có chính sách ưu tiên, dành các nguồn vốn lớn hơn để triển khai các dự án CVCX mới theo quy hoạch đô thị đã được duyệt. Song song với trồng mới, tổ chức cây xanh gắn với mặt nước theo hướng không gian mở, tiếp cận đa hướng, cần nâng cấp cải tạo các CVCX hiện có.
Các văn bản pháp luật về quản lý cây xanh ban hành đã lâu, cần được rà soát, đánh giá sửa đổi phù hợp với quá trình phát triển đô thị hiện nay cũng như các chính sách, yêu cầu quản lý. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cây xanh chưa được ban hành hoặc nếu có thì chưa rõ ràng nên khó thu hút các nguồn lực ngoài xã hội.
Do đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, xem xét đề xuất xây dựng Luật Quản lý CXĐT, bổ sung quy định về quản lý công viên, vườn hoa, có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, cải tạo, khai thác hiệu quả các công viên hiện có và xây mới, rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến CVCX đô thị. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, tạo động lực thu hút doanh nghiệp chú trọng phát triển KGX, CTX để bảo vệ môi trường.
Quy hoạch CXĐT là một nội dung bắt buộc trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các đô thị cũng như các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Do vậy, cần rà soát việc thực hiện các quy hoạch đô thị, tập trung vào các quy hoạch cây xanh, mặt nước; quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, chú trọng đến quy hoạch, thiết kế tổ chức hệ thống KGX đô thị, phát triển vườn ươm.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể trong quy hoạch phát triển đô thị mới phải đáp ứng tỷ lệ xây dựng, diện tích dành cho KGX, không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Chính quyền đô thị phải quan tâm hơn nữa về phát triển KGX đô thị thông qua các chính sách đầu tư, chủ trương thu hút đầu tư, xã hội hóa khai thác và quản lý CVCX đô thị.
Xã hội hóa phát triển KGX, đồng bộ hóa cây xanh trong lõi đô thị
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Võ Tấn Hà cho rằng, chủ trương khuyến khích xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị (CXĐT) của thành phố Đà Nẵng nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị. Muốn tăng nhanh độ phủ xanh đô thị, cần bố trí đủ quỹ đất dành cho CXĐT, tập trung đầu tư các công viên đã được phê duyệt, kiên trì quan điểm sử dụng các khu đất ven biển đã thu hồi để xây dựng công viên. Yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan chuyên ngành phải bảo đảm bố trí đủ diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khi thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Sở Xây dựng tham mưu và UBND thành phố thống nhất phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường có bề rộng mặt đường ≤ 7,5 m và các công viên, vườn hoa có quy mô diện tích ≤ 6 ha. Tuy nhiên, hệ thống quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, quy chế thực hiện chưa được soạn thảo rõ ràng, dẫn đến triển khai còn lúng túng, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.
Đối với xã hội hóa công tác dịch vụ chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh công cộng, Sở Xây dựng tổ chức đấu thầu để các đơn vị tư nhân tham gia. Cần cho phép các doanh nghiệp chuyên ngành cây xanh sử dụng tạm, khai thác quỹ đất dự phòng phát triển đô thị để xây dựng hệ thống vườn ươm vệ tinh và quản lý mặt bằng, khai thác bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị, đồng thời góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp cây giống cho nhu cầu phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố. Tăng cường tìm kiếm các ý tưởng về bảo vệ môi trường, nguồn lực tài chính trong và ngoài nước đầu tư phát triển CXĐT.
Hoàng Biên (ghi)
Bình luận