Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 16/10/2022 22:10
TMO - Luật Lâm Nghiệp 2017 quy định khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, các đơn vị phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp không thể tự trồng rừng thay thế, chủ dự án có thể nộp tiền trồng rừng thay thế.
Căn cứ Điều 19 luật Lâm nghiệp 2017 điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quy định như sau: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Tại Điều 21 luật Lâm nghiệp 2017 có quy định cụ thể về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như sau: Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, khi tự trồng rừng thay thế phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.
Ảnh minh họa
Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện tích rừng phải trồng thay thế quy định tại khoản 1 Điều này nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.
Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó, chủ dự án tự trồng rừng thay thế trong các trường hợp: Khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, được Nhà nước giao để trồng rừng theo quy định của pháp luật
Khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng, được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật.
Chủ dự án có trách nhiệm lập phương án trồng rừng thay thế theo quy định. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập các phương án riêng trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế gồm: Phương án trồng rừng thay thế, văn bản đề nghị phê duyệt, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tài liệu khác có liên quan (nếu có). Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt.
Minh Vân
Bình luận