Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ ba, 31/05/2022 11:05
TMO - Thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra chiều ngày 30/5 trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay.
Thực hiện yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội và yêu cầu của Đoàn Giám sát của Quốc hội, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của Bộ Công Thương kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Bộ Công Thương đã triển khai nghiêm túc chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030 so với yêu cầu và kỳ vọng. Về hạn chế này, Bộ Công Thương đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân, đồng thời đã có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ.
Ngành Công Thương đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương gồm các quy hoạch: Điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí. Trong đó, 1 quy hoạch đã thẩm định xong trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch điện VIII), còn lại 3 quy hoạch ngành đang trong quá trình thẩm định.
Một số đại biểu Quốc hội nêu quan điểm cần xem xét hủy bỏ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì dự án đã chậm nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương. Ảnh: Xuân Hoát.
Trước một số ý kiến của các đại biểu về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Việc tạm dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được các cấp có thẩm quyền cho chủ trương và được Quốc hội biểu quyết tạm dừng. Cần nói rõ Nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải ‘huỷ bỏ’. Nên, về nguyên tắc không có cơ sở về việc bỏ hoàn toàn dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặt khác, Ninh Thuận là địa điểm đã được các đối tác cũng như các bộ, ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong thời gian dài và đã khẳng định đây là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân.
Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30/5, ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM) đề nghị Quốc hội xoá bỏ quy hoạch địa điểm dự kiến xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo ông Nghĩa, Đảng, Nhà nước và Quốc hội khoá XIV đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi đưa ra chủ trương tạm dừng làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016. Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo giám sát có sự luyến tiếc nên đưa ra đề nghị tạm giữ quy hoạch này. Tuy nhiên, ông Nghĩa đề nghị hủy, 10-20 năm tới có làm điện hạt nhân hay không thì lúc đó sẽ xây dựng, lập quy hoạch mới và tính toán vị trí làm ở đâu.
Đồng quan điểm với ông Ngĩa, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, nếu kéo dài quy hoạch với các vị trí dự kiến làm nhà máy điện hạt nhân có thể khiến đời sống của người dân tại vùng dự án thêm khó khăn, mặt khác cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chiến lược muốn đầu tư vào Ninh Thuận.
Lê Hùng
Bình luận