Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 19/04/2025 08:04
Thứ tư, 16/04/2025 12:04
TMO - Từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương bổ sung, tỉnh Điện Biên triển khai dự án bố trí dân cư và bảo vệ hạ tầng, bảo đảm an toàn các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.
UBND tỉnh Điện Biên vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án khắc phục sạt lở do thiên tai tại huyện Điện Biên Đông. 2 dự án có tổng mức đầu tư 33 tỉ đồng bao gồm: Kè bảo vệ khu dân cư bản Suối Lư I, II, III, xã Keo Lôm; Khắc phục thiên tai kè chống sạt lở, bảo vệ trụ sở làm việc và khu dân cư trung tâm xã Tìa Dình, 2 dự án có tổng mức đầu tư lần lượt 18 và 15 tỷ đồng. Cả 2 dự án thuộc nhóm C, thời gian thực hiện trong năm 2025, được đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Dự án kè bảo vệ khu dân cư bản Suối Lư I, II, III, xã Keo Lôm sẽ khắc phục tình trạng sạt lở do thiên tai gây ra để bảo vệ, ổn định cuộc sống cho 286 hộ dân với 1.327 nhân khẩu, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội của xã. Công trình có quy mô đầu tư xây dựng tuyến kè khắc phục sạt lở có chiều dài khoảng 651m, kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép. Công trình trên tuyến (tường khóa, bậc lên xuống...), kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép.
Dự án khắc phục thiên tai kè chống sạt lở, bảo vệ trụ sở làm việc và khu dân cư trung tâm xã Tìa Dình sẽ khắc phục tình trạng sạt lở do thiên tai gây ra để bảo vệ đất, tài sản, đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh học tập và làm việc tại trụ sở, trường học thuộc khu trung tâm mới của xã. Công trình có quy mô đầu tư xây dựng tuyến kè khắc phục sạt lở có chiều dài khoảng 290m, kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép. Công trình trên tuyến (tường khóa, lan can, thoát nước...), kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép.
Tại huyện Điện Biên sẽ triển khai Dự án kè bảo vệ đất sản xuất, khu dân cư và chỉnh trị dòng chảy từ bản Mường Pồn 1, 2 đến bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư với tổng mức vốn là 83,5 tỷ đồng, thuộc nhóm C, thực hiện trong năm 2025, bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Công trình có quy mô đầu tư xây dựng tuyến kè khắc phục sạt lở có tổng chiều dài khoảng 7km và các công trình trên tuyến; kết cấu bằng bê tông, bê tông cốt thép. Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tiếp theo của dự án. Dự án được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng sạt lở, thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định dòng chảy, bảo vệ cho 90 hộ dân, 160ha đất lúa, 2,5ha nuôi trồng thủy sản và các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Mưa lũ khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh sạt lở.
Còn tại huyện Nậm Pồ, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách bản Phìn Hồ (Nhóm B), xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Dự án thuộc nhóm C, có tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2025. Dự án được đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ 14 tỷ đồng; quỹ cứu trợ huyện Nậm Pồ do quỹ cứu trợ tỉnh phân bổ 660 triệu đồng (thực hiện hỗ trợ di chuyển nhà ở cho 22 hộ dân, 30 triệu đồng/hộ dân); nguồn vốn ngân sách huyện Nậm Pồ là 2,34 tỷ đồng (thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Dự án nhằm sắp xếp, ổn định cuộc sống cho 22 hộ, 118 nhân khẩu vùng thiên tai cấp bách bản Phìn Hồ (Nhóm B), xã Phìn Hồ; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giao lưu văn hóa, góp phần giữ vững ổn định trật tự quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội xã. Công trình có quy mô đầu tư gồm: san ủi mặt bằng; xây dựng nhà lớp học cấp 4; đường giao thông dài khoảng 1 km; công trình cấp điện/nước sinh hoạt… UBND huyện Nậm Pồ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tiếp theo của dự án.
Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, triển khai dự án Kè chống sạt lở chỉnh tuyến, sửa chữa mặt đường bản Lồng, bản Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) được thực hiện tại xã Tỏa Tình có tổng chiều dài 3km, quy mô giao thông nông thôn cấp C (miền núi); tổng mức đầu tư dự án là 3 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án trong năm 2025. Dự án hoàn thành sẽ khắc phục hậu quả thiên tai, chống sạt lở, xói mòn nền đường và bảo đảm an toàn giao thông của tuyến bản Lồng, bản Tỏa Tình; góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh, ổn định đời sống và tạo thuận lợi cho người dân trong khu vực phát triển kinh tế.
Đồng thời, tại địa phương này cũng triển khai dự án Kè chống sạt lở, chỉnh tuyến, sửa chữa mặt đường tuyến đường Nà Sáy-Mường Khong-bản Nậm Cá-Pa Cá; địa điểm thực hiện dự án tại xã Mường Khong. Về quy mô, dự án gồm các hạng mục: xử lý 4 điểm nguy cơ mất an toàn giao thông trên trục chính tuyến đường Nà Sáy-Mường Khong bằng các biện pháp xây dựng tuyến kè bê tông và kè rọ đá (chiều dài 134m) đồng thời gia cố rãnh thoát nước và lề đường.
Trên trục nhánh Nậm Cá-Pa Cá phải xử lý 2 điểm mất an toàn bằng biện pháp xây dựng tuyến kè bê tông và kè rọ đá với tổng chiều dài 58m. Dự án hoàn thành sẽ khắc phục hậu quả thiên tai chống sạt lở, sụt lún và cải thiện hệ thống thoát nước, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông trên tuyến.
Cùng với việc triển khai các công trình kè chống sạt lở, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025, tình hình thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giảm thiểu thiệt hại, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã và thành phố Điện Biên Phủ sẵn sàng, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống thiên tai. Cảnh báo sớm, thông báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để người dân chủ động ứng phó.
Các sở, ngành, UBND các cấp tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, kiên cố hóa các tuyến giao thông xung yếu, và rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, đình chỉ thi công các dự án có thể gây cản trở thoát lũ hoặc làm gia tăng nguy cơ thiên tai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, đảm bảo an toàn cho các công trình và khu vực hạ du trong mùa mưa lũ. Các nhà máy thủy điện cần có kế hoạch xả lũ hợp lý, duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gây lũ lụt bất ngờ.
Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, bao gồm quân đội, công an và các đoàn thể chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và nhu yếu phẩm để kịp thời hỗ trợ người dân khi có thiên tai xảy ra. Công tác di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là trong những khu vực dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, phải được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Lực lượng xung kích cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, kêu gọi sự tham gia của người dân trong các hoạt động phòng ngừa. Đặc biệt, công tác sơ tán người dân khỏi những khu vực có nguy cơ cao cần thực hiện ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Các sở, ngành liên quan sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như kiểm tra các công trình thủy lợi, đập, hồ chứa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, đồng thời cập nhật các phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro. Các ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại về cơ sở vật chất.
Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện y tế và đội ngũ nhân viên sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, chữa trị và khắc phục hậu quả thiên tai. Các cơ sở y tế cũng cần chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh sau thiên tai. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động lồng ghép các kiến thức về phòng, chống thiên tai vào chương trình giảng dạy để học sinh có thể hiểu và thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân.
UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và cộng đồng. Việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo an toàn và ổn định cho cuộc sống của người dân trong mùa thiên tai năm 2025.../.
Hồng Ngát
Bình luận