Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 13:09
Thứ bảy, 31/08/2024 19:08
TMO - Luật Quy hoạch chỉ quy định về việc "sử dụng từ vốn đầu tư công" để lập quy hoạch; không quy định về việc sử dụng kinh phí thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập quy hoạch; không có quy định về kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Đây là một trong những nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chỉnh sửa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Theo đó, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể: Về chi phí cho hoạt động quy hoạch, Điều 9 Luật Quy hoạch chỉ quy định về việc "sử dụng từ vốn đầu tư công" để lập quy hoạch; không quy định về việc sử dụng kinh phí thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập quy hoạch; không có quy định về kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành trong một số lĩnh vực quy định về việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập quy hoạch, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất về nguồn kinh phí đối với hoạt động quy hoạch.
(Ảnh minh họa)
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi quy định về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Điều 9 Luật Quy hoạch theo hướng bổ sung quy định cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập, điều chỉnh quy hoạch, trong đó quy định cụ thể kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi sẽ khắc phục hạn chế nêu trên, tạo cơ chế linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26 và 27 Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch phải xác lập danh mục dự án và thứ tự ưu tiên trong kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, quy định này chưa bảo đảm tính định hướng của quy hoạch, đồng thời trùng lặp với Danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đã được chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư... Trên thực tế cũng không thể xác định được hết các dự án sẽ triển khai trong cả thời kỳ quy hoạch. Do đó, đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng xây dựng "Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia" và "Danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện" để phản ánh đúng tính định hướng của các Danh mục dự án kèm theo.
Tiếp đến, theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 và khoản 1 Điều 56 Luật Quy hoạch, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tục theo quy định nêu trên chưa tạo được cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Mặt khác, một số nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh (như dự án đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác...) đã được phân cấp cho các địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư. Do đó, đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Quy hoạch để phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch…/.
THANH BÌNH
Bình luận