Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 20:07
Thứ năm, 03/07/2025 13:07
TMO - Để tháo gỡ rào cản về thể chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, loại bỏ những quy định chồng chéo, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp hoặc gây cản trở.
Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đồng thời cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân và một số cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch hành động. Theo kế hoạch, sẽ rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra và chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lặp.
Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chỉ bị kiểm tra định kỳ tối đa một lần mỗi năm, trừ trường hợp đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Việc kiểm tra phải công khai kế hoạch trên Cổng thông tin điện tử để các chủ thể kinh doanh biết và phối hợp thực hiện. Cơ quan này cũng khuyến khích áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến, từ xa dựa trên dữ liệu số, nhằm giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp và chi phí hành chính. Cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Ưu tiên, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Ảnh minh họa.
Để tháo gỡ rào cản về thể chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, loại bỏ những quy định chồng chéo, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp hoặc gây cản trở. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục, tăng định mức hỗ trợ tiệm cận với thực tế thị trường và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức trung gian như hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, trường đại học. Đối tượng được ưu tiên trong triển khai chính sách là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp thành lập trong hợp tác xã, trang trại, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận đất đai, tín dụng và đổi mới công nghệ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt trọng tâm vào việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để mở rộng không gian phát triển cho khu vực tư nhân. Trong đó, việc sửa đổi Luật Đất đai được định hướng bổ sung các cơ chế kiểm soát giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, cũng như yêu cầu các địa phương bố trí quỹ đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại với mức giá hỗ trợ phù hợp.
Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh, dự án tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG). Đồng thời, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn xác định cụ thể dự án xanh và tiêu chí tuần hoàn, làm căn cứ thực thi trong năm 2025.
Về chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025 và kết nối đồng bộ với Trung tâm Dữ liệu quốc gia, các hệ thống quản lý liên ngành, đảm bảo liên thông từ trung ương đến địa phương và khả năng tích hợp quốc tế. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phát triển phần mềm chuyên ngành dễ sử dụng, có khả năng cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm pháp luật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tích hợp được với Cổng thông tin Một cửa quốc gia…
Để theo dõi và đánh giá hiệu quả triển khai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Bộ đồng thời yêu cầu tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm xã hội…
Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu;
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm; Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Nghị quyết 68 cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân.
Cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.
Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên.
Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Khoản tiền thuê đất được giảm được hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua việc khấu trừ tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật; có chính sách hỗ trợ về hạ tầng mặt bằng sạch, điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp, vụ án kéo dài. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương…/.
HẢI YẾN
Bình luận