Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 14:11
Thứ bảy, 04/03/2023 13:03
TMO - Thống kê từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10 cùng năm, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai đã khiến gần140 người chết, mất tích, trên 211 người bị thương; 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460ha lúa, hoa màu và 44.795ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại... Thiệt hại ước tính trên 5.167 tỉ đồng.
Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ, úng ngập, sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Do đó, đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thiên tai cực đoan đã đặt ra những thách thức rất lớn cho công tác đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai. Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến nay, liên tiếp xảy ra những trận mưa lũ lớn, dị thường. Điển hình là lũ lớn trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) năm 2017 vượt lũ lịch sử năm 1985 đến 29 cm làm 82 km đê bị tràn và xấp xỉ tràn, gây ra 242 sự cố đê điều. Năm 2018, lũ trên sông Bứa (tỉnh Phú Thọ) vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26 m. Năm 2020, mưa lớn dồn dập ở các tỉnh miền Trung (có nơi mưa trên 4.000 mm) đã gây ra các trận lũ lớn, đặc biệt lớn trên 16 tuyến sông chính (7 tuyến sông đã vượt mức nước lũ lịch sử).
Người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế gia cố bờ đê ngăn nước lũ.
Theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý đê điều, đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công trình đê điều có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.220 km (6.458 km đê sông, 1.171 km đê cửa sông, 1.320 km đê biển). Trong đó, hơn 2.740 km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng với số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035 km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê,… Đây là hệ thống công trình có nhiệm vụ chống lũ triệt để, bảo vệ cho các khu vực dân cư tập trung, diện tích và độ sâu ngập lụt lớn, các cơ sở hạ tầng, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước.
Cùng với hệ thống hồ chứa thượng nguồn các dòng sông góp phần giảm thiểu và điều tiết lũ, hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ngoài vai trò ngăn lũ, các tuyến đê giúp tăng cường kết nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hệ thống đê điều của nước ta cơ bản đã được khép kín và khá đồng bộ, song các tuyến đê chủ yếu được đắp bằng đất, hình thành từ lâu đời, nên hệ thống đê còn tồn tại nhiều vị trí xung yếu. Qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão, lũ năm 2021, đến nay trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt vẫn còn tồn tại 200 trọng điểm xung yếu; 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233km kè hư hỏng, xung yếu.
Do đó, cần có giải pháp căn cơ, mang tính đổi mới để mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Trước hết, cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai) cùng hệ thống các văn bản dưới luật để điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn đã mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, lập và phê duyệt các quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê cũng cần được quan tâm triển khai thực hiện, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều.
Lãnh đạo các địa phương có đê cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không đảm bảo an toàn. Đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ do cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cụ thể trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện. Tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.
Thiên Lý
Bình luận