Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 04:01
Thứ ba, 17/05/2022 08:05
TMO – Mùa hạn mặn năm 2021-2022 không gây thiệt hại nặng cho người dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài yếu tố khách quan do hạn mặn năm nay không quá gay gắt, là nhờ đã chuẩn bị kỹ, đồng bộ các phương án đối phó, mang lại hiệu quả cao.
Trong mùa hạn mặn năm 2019-2020, vùng chuyên canh sầu riêng chủ lực của huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bị thiệt hại nặng nề, với khoảng 40% diện tích chết hoặc suy kiệt. Do chính quyền địa phương và người dân đã chủ động ứng phó từ xa và áp dụng nhiều biện pháp phòng chống hạn mặn phù hợp nên mùa hạn mặn năm 2021-2022 hầu như không có diện tích sầu riêng nào bị thiệt hại.
Chuyển đổi cây trồng là một trong những giải pháp thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu.
Tại Long An, trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, nông dân chịu thiệt hại nặng nề khi lúa đông xuân đang giai đoạn làm đòng bị cạn nước, hoặc mặn tấn công làm lúa chết. Mùa khô năm nay, nhờ linh hoạt các giải pháp phòng chống hạn mặn nên lúa đông xuân bội thu, bán được giá. Theo chính quyền địa phương, nhờ các cống trên địa bàn huyện được đầu tư kiên cố đã tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, có nguồn nước từ hệ thống Nhựt Tảo phục vụ sản xuất, nên 5.000ha lúa của huyện không bị ảnh hưởng và đạt năng suất cao.
Tại Tiền Giang, để tránh hạn mặn và tiết kiệm nước tưới tiêu, người nông dân đã chủ động bỏ vụ lúa thu đông chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, hoặc rau màu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô 2021-2022, ngành nông nghiệp đã triển khai cắt vụ lúa thu đông tại các huyện phía Đông và triển khai gieo sạ sớm vụ lúa đông xuân. Phương án mà tỉnh đưa ra là ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời hệ thống cống đập nhằm đảm bảo ngăn mặn, tập trung giải phóng các chướng ngại vật ở các lòng kênh, vận động người dân trữ nước sản xuất và sinh hoạt, sử dụng tiết kiệm nước.
Biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng nên đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với việc áp dụng linh hoạt phương thức sản xuất, khoa học công nghệ và chuyển đổi cây trồng nên nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động thích ứng với hạn mặn, duy trì sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển bền vững.
Phương Điền
Bình luận