Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ tư, 28/12/2022 20:12
TMO - Cả nước hiện có 60/63 tỉnh đã kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp tỉnh, huyện để thành lập Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thành lập VPĐKĐĐ đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn trước đây; việc liên thông giữa các cấp, các cơ quan được đẩy mạnh thực hiện; một số tỉnh đã bước đầu cho phép các tổ chức, cá nhân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN mà không bắt buộc một địa điểm như trước đây; là nền tảng cho việc liên thông dữ liệu giữa các ngành liên quan, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
(Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, thủ tục đăng ký, cấp GCN cơ bản được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt trên 97% (so với tổng kết hệ thống VPĐKĐĐ năm 2021 là 95%) so với quy định, việc cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu được tăng lên. Số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông chỉ còn 41 thủ tục (giảm 21 thủ tục so với địa phương chưa thành lập VPĐKĐĐ).
Thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn đáng kể từ 15 - 45% so với trước đây; số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.
Về thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, đã tổ chức “Kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất” cho 24 tỉnh/thành phố và 61 tỉnh/thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã hoàn thành kết nối, tích hợp và đã hoàn thành kiểm thử). Việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công quốc gia tính từ đầu 2022 đến nay có hơn 414.000 giao dịch với số tiền 2.000 tỷ đồng.
PV
Bình luận