Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 06:11
Thứ năm, 21/03/2024 08:03
TMO – Đề án đồng thời sẽ hỗ trợ hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển, củng cố các tổ chức nông dân, hợp tác xã; huy động nguồn vốn tín chỉ carbon cho nhiều khu vực áp dụng các biện pháp thực hành carbon thấp.
Theo đó, để triển khai Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất triển khai Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp với kinh phí thực hiện gần 9.000 tỷ đồng.
Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đề xuất dựa trên Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã được Chính phủ phê duyệt tại 12 tỉnh ĐBSCL, gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang. Thời gian thực hiện 5 năm, từ năm 2026-2031; giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024-2025. Tổng chi phí triển khai dự kiến khoảng 375 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng). Trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.
(Ảnh minh họa)
Dự án đạt mục tiêu hình thành 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Dự án sẽ được thiết kế dựa trên 6 nguyên tắc; bao gồm thiết kế, cung cấp gói đầu tư toàn diện và thông minh cho nông dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng lợi nhuận cho trang trại. Đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển, củng cố các tổ chức nông dân, hợp tác xã; huy động nguồn vốn tín chỉ carbon cho nhiều khu vực áp dụng các biện pháp thực hành carbon thấp. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường lúa carbon thấp, qua đó tạo ra khung chính sách, kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo có hàm lượng carbon thấp.
Trước đó, tháng 11/2023, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha.
THIÊN LÝ
Bình luận