Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ ba, 19/07/2022 19:07
TMO – Chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước đã được Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo triển khai thực hiện xuyên suốt.
Chặng đường 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HĐH. Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo…Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, quá trình CNH, HĐH đất nước vẫn còn chậm. Năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp. Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.
Trong buổi làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” với Bộ Công thương hôm 18/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ những nội dung đã được thống nhất. Cụ thể, quan điểm về CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình CNH, HĐH hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
Nội dung cốt lõi của CNH, HĐH là tập trung phát triển công nghiệp nền tảng nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH. Cần thực hiện mô hình CNH, HĐH mới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế. Không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp, nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình CNH, HĐH.
Để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về CNH, HĐH đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Cần rà soát, thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về phát triển công nghiệp; xây dựng và thiết lập thể chế quản lý vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp.
Lê Hùng
Bình luận