Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ hai, 07/02/2022 11:02
TMO – Ban Điều hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa phê duyệt Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (giai đoạn 2022-2026) vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng, và không ai bị bỏ lại phía sau. Đi kèm với chương trình là gói tài chính hỗ trợ hơn 120 triệu USD.
Theo đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng với những nỗ lực phục hồi từ đại dịch Covid-19, có cơ hội tạo ra tăng trưởng một cách bền vững, bao trùm và cung cấp nhiều việc làm cho người dân. Với chương trình quốc gia 5 năm mới của UNDP, UNDP mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng nghèo dai dẳng và xây dựng các lộ trình tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.
Cũng theo UNDP, Văn kiện chương trình quốc gia cũng mô tả cách thức UNDP sẽ thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi các hệ sinh thái để thực hiện các mục tiêu. UNDP mong muốn hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và bao trùm, trong đó những người dễ bị tổn thương nhất được trao quyền với những cơ hội và khả năng chống chịu cao hơn..
Ưu tiên của chương trình quốc gia mới cho Việt Nam của UNDP là hỗ trợ phát triển năng lực thiết kế và thực hiện chính sách dựa trên nguyên tắc quản trị AAA (tiên lượng, thích ứng, nhanh nhạy) để giải quyết những thách thức phức tạp và ứng phó với những vấn đề mới thông qua: Thu thập và phân tích dữ liệu nhằm giải quyết những hình thức nghèo đa chiều mới, đặt thiên nhiên và môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế; thúc đẩy số hóa và đổi mới toàn diện, lấy con người làm trung tâm; xem xét lại các lựa chọn chính sách và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình triển khai thành công; phát triển các nền tảng nhằm nâng cao khả năng hoạch định tài khóa và huy động nguồn lực.
UNDP khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và phát triển con người, đóng góp cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Nguyễn Lê
Bình luận