Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 08:11
Thứ sáu, 28/07/2023 14:07
TMO – Đến thời điểm hiện tại đã có 72/85 dự án năg lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86 MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 21/7/2023, có 15 nhà máy/phần nhà máy NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 734,92 MW đã hoàn thành thủ tục thử nghiệm sau khi hòa lưới và công nhận ngày vận hành thương mại (COD), được phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) đến ngày 24/7/2023 đạt khoảng 165,5 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động. Đến nay, đã có 72/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86 MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 60 dự án (tổng công suất 3.331,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá Bộ Công Thương quy định.
Tu sửa, bảo trì hệ thống điện.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 58/60 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW. 21 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy và 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 13 dự án với tổng công suất 802,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá giá bán lẻ điện bình quân. Theo dự thảo, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Bộ Công Thương cũng đề xuất, nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được cơ quan này chấp thuận thì sẽ tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Cũng theo dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện nay.
TÚ QUYÊN
Bình luận