Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ ba, 05/04/2022 08:04
TMO – Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt…), đã đưa vào vận hành thương mại từ lâu nhưng nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định...
Bộ Công thương vừa có kết luận rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm của nhà đầu tư trong việc khai thác và sử dụng loại hình năng lượng này. Điều này khiến số phận các dự án điện mặt trời mới càng thêm khó khăn khi trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã dự kiến đưa loại hình này lùi lại sau năm 2030.
Đáng lo hơn, sai phạm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu cam kết “Net Zero” vào năm 2050, cần đầu tư nhiều vào năng lượng xanh. Vậy, trách nhiệm và xử lý vấn đề này ra sao?
Kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMTMN của Bộ Công nêu, 10 tỉnh, thành phố được kiểm tra chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền; để xảy ra vấn đề như: Số hệ thống ĐMTMN lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Bộ Công Thương chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư dự án điện mặt trời. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Kết luận cũng chỉ ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thực hiện đầy đủ quy định của Bộ Công thương, dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển ĐMTMN. Mặt khác, EVN ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống ĐMTMN gây quá tải lưới điện quốc gia.
Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều sai phạm ở các công ty điện lực tại khu vực miền trung và miền nam. Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai: Ngoài sai phạm về thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương, còn sai phạm về việc ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công thương. Việc này xảy ra tại hệ thống ĐMTMN Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung.
Đối với Công ty Điện lực Bình Dương: Thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất yêu cầu của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu. Việc này xảy ra tại hệ thống ĐMTMN tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty CP Mai Sơn Lâm. Sai phạm tương tự cũng xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Phước; xảy ra tại Công ty TNHH Năng lượng Lộc Khánh, Công ty Năng lượng Hiếu Xuân, Công ty TNHH Solar Hợp Thành.
Tại Công ty Điện lực Ninh Thuận phát hiện sai phạm về thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN khi vượt quá thời hạn quy định, được phát hiện tại các hệ thống ĐMTMN của Công ty CP Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm, khách hàng có mã PB18020044373. Điện lực Ninh Thuận cũng ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong đơn đăng ký phát triển, thỏa thuận đấu nối tại hệ thống ĐMTMN của Công ty BP Solar, Công ty Bắc Phương, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Gia Nhật Minh.
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện việc thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN. Cụ thể, 30% số tấm quang điện được lắp đặt trên khung giá đỡ nhưng không có mái nhà. Việc này xảy ra tại cụm công trình của các chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Minh Cường, Công ty TNHH Năng lượng Anh Tuấn, Công ty TNHH Điện năng Bình Minh Ninh Thuận, Công ty TNHH Quốc Thắng Ninh Thuận thuộc thôn Bầu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Theo đoàn kiểm tra, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại các trạm biến áp 110/22 kV Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Thuận 1, Ninh Phước, dẫn đến làm tăng công suất truyền tải lên đường dây 110 kV cấp cho các trạm biến áp này…
Các công ty điện lực miền trung cùng chung sai phạm. Tại Công ty Điện lực Gia Lai, đoàn kiểm tra chỉ ra thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định. Sai phạm xảy ra tại các hệ thống ĐMTMN của Công ty PV Venus, Công ty PV ENERGRY, Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam. Trình tự thực hiện phát triển ĐMTMN trái với quy định cũng xảy ra tại hệ thống ĐMTMN của Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ xanh Bắc Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ xanh Cao Nguyên, Công ty TNHH MTV Cộng Hòa Gia Lai, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Xuân Mai Gia Lai, Công ty TNHH MTV Năng lượng xanh Vĩnh Sơn.
Điện lực Gia Lai cũng chốt chỉ số công-tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ, xảy ra tại hệ thống ĐMTMN của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Phú Cường, Công ty CP PV Energy, Công ty TNHH MTV Đại Thắng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phú Lợi Lộc.
Công ty Điện lực Đắk Nông bị phát hiện thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.
Ngoài ra, theo đoàn kiểm tra, việc chốt chỉ số công-tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 tại hệ thống ĐMTMN có mã khách hàng PC13DD0437919, PC13DD0437920, PC13DD0437921, Công ty CP Năng lượng Lộc Điền, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thiên Lộc Đắk Nông, Công ty TNHH Solar Farm cơ khí Hoa Đông... là chưa phù hợp quy định.
Giới chuyên gia nói gì?
Theo một chuyên gia về năng lượng, trên thế giới, khi đưa ra chính sách giá FIT (chính sách mua giá điện cố định để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo) có hạn định trong một số năm nhất định, thì họ cũng khống chế luôn mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ, tức là kiểm soát cả đầu ra quy hoạch. Còn ở Việt Nam, có giá FIT, có hạn định 20 năm nhưng lại không kiểm soát đầu ra quy hoạch. Đáng lẽ ra, ngoài khống chế con số thì việc phê duyệt quy hoạch không nên theo kiểu “one by one”, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư, họ đề xuất dự án nào thì duyệt dự án đó.
Thực tế, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời chỉ đặt ra khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Nhưng tính hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 69.342 MW. Nguồn điện mặt trời đạt gần 17.000 MW, trong đó nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000 MW (gấp 11 lần quy hoạch nếu không tính ĐMTMN) và gần 8.000 MW ĐMTMN.
Cũng theo chuyên gia, giá điện cao, hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư, nhưng phát triển ồ ạt gây quá tải hệ thống không phải lỗi của nhà đầu tư mà do Quy hoạch điện không quy định tỉnh nào được làm bao nhiêu, đạt đến mức nào là cảnh báo...
Sự phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời, ĐMTMN đã gây ra những hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Hệ lụy là có những công trình phát điện rất lớn, nhưng “núp bóng” và lợi dụng danh nghĩa... làm ĐMTMN. Việc phát triển mất kiểm soát này khiến công suất tăng thêm quá lớn, dẫn đến cắt giảm công suất các nhà máy điện đang vận hành gây thất thoát lớn cho các nhà máy điện của nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư một cách đúng luật và bài bản trước đó.
Lê Hùng
Bình luận