Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ tư, 10/11/2021 10:11
Thiennhienmoitruong - Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về TN&MT tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần cho sự phát triển và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2022.
Về nhiệm vụ chung, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào các vấn đề: Rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính, quy định pháp lý trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường..., đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, các trình tự, thủ tục còn chưa rõ ràng, chồng chéo trong phân cấp trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khả thi, công khai, minh bạch; tiếp tục hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình đã đăng ký với Văn phòng Chính phủ, hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tại Bộ nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử của Bộ, của ngành…
Lĩnh vực quản lý đất đai
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Luật đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025); Xây dựng Chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045; Thực hiện tốt việc quản lý, công khai quy hoạch, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận, thực hiện các giao dịch về quyền của người sử dụng đất để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai”. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai. Tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; Triển khai các dự án điều tra cơ bản về đất đai; các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Dự án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Kiểm kê chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đối với sân golf; các cảng hàng không, sân bay dân dụng; đất của đồng bào dân tộc; các tổ chức tôn giáo.
Lĩnh vực tài nguyên nước
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật tài nguyên nước: Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Xây dựng Thông tư ban hành quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành trạm quan trắc tài nguyên nước.
Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững (Ảnh: internet)
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật về tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác cấp phép tài nguyên nước.
Theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trước mắt ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng.
Tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước; thực hiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng dữ liệu quan trắc tài nguyên nước; xây dựng chỉ tiêu thống kê tài nguyên nước; xây dựng các báo cáo tài nguyên nước: Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia; Điều tra, đánh giá, xác định dòng chảy tổi thiểu trên sông, suối liên tỉnh theo quy định tại Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017; Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia theo quy định tại Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017; Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để theo dõi, giám sát việc vận hành của các hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ việc chỉ đạo, điều hành và xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết cấp nước cho hạ du 11 lưu vực sông lớn, quan trọng; Xây dựng hệ thống theo dõi diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017; Theo dõi, giám sát biến động về dòng chảy, chất lượng nước đối với các nguồn nước liên quốc gia; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để đổi mới quản lý tài nguyên nước trong thời kỳ 4.0; những vấn đề về kinh tế tài nguyên nước, hình thành các thị trường trong lĩnh vực tài nguyên nước, quản lý bảo vệ nguồn nước; tối ưu hóa việc phối hợp vận hành liên hồ...
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực địa chất-khoáng sản. Triển khai các nhiệm vụ theo “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực địa chất-khoáng sản, trong đó tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng VBQPPL của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tập trung thi công các dự án điều tra, đánh giá các khoáng sản đã được Chính phủ giao gồm các Đề án: “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”, “Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1: 250.000 biển và hải đảo Việt Nam”, "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội", “Đánh giá tổng thể về khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.
Ngoài ra, tổ chức thi công các đề án điều tra địa chất, đánh giá khoáng sản theo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong đó: Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 các khu vực phía Bắc và phía Nam. Tập trung điều tra , đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chì-kẽm, đá hoa, cát trắng, thiếc. Triển khai các nhiệm vụ đặc thù và các nhiệm vụ khác. Thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực sự nghiệp khoa học công nghệ. Thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực hợp tác Quốc tế, trong đó có dự án trong khuôn khổ hợp tác với Lào, Campuchia.
Lĩnh vực môi trường
Xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đánh giá, xây dựng và hoàn thiện Luật Đa dạng sinh học sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đa dạng sinh học sửa đổi.
Rà soát, đánh giá và điều chỉnh các chiến lược cho phù hợp với các quy định trong giai đoạn mới và xây dựng các quy định hướng dẫn thực hiện đối với các Chiến lược gồm: Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các quy định hướng dẫn thực hiện các Chiến lược.
Thực hiện xây dựng và triển khai các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về: Bảo vệ môi trường quốc gia; quan trắc môi trường quốc gia; bảo tồn đa dạng sinh học. Rà soát, hoàn thiện và triển khai các Kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 về: Hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí; thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 - 2025; Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các Đề án về: kiểm soát không khí; tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tăng cường năng lực quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; Bảo vệ môi trường vùng kinh tế trọng điểm miền trung; Bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái ao hồ tại các khu Đô thị, khu dân cư.
Rà soát, hoàn thiện và xây dựng mới hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn… để đảm bảo phù hợp với Luật bảo vệ môi trường sửa đổi và các quy định hiện hành, đáp ứng thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế; rà soát, hoàn thiện và xây dựng mới các quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường và đa dạng sinh học đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực môi trường.
Lĩnh vực biến đổi khí hậu
Xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu; Thông tư hướng dẫn xây dựng lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư sửa đổi Thông tư số 17/2015/TT-BTNMT quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế tín chỉ chung ̣(JCM) trong khuôn khổ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam - Nhật Bản; Thông tư hướng dẫn xây dựng và thực hiện dự án theo cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển bền vững theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Thông tư hướng dẫn xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu; Thông tư hướng dẫn hoạt động thu hồi, vận chuyển, cải tạo, tái chế, phá hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương.
Tập trung xây dựng đề án và tổ chức họp Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC) lần thứ 12 tại Việt Nam; Tham dự các phiên họp ban bổ trợ thực hiện lần thứ 52 (SB52) và Hội nghị COP 26; các phiên họp và Hội nghị các bên tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn; Họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan.
Tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản về biến đổi khí hậu. Hoàn thiện Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn; Đánh giá hiệu quả các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐB SCL, đề xuất các giải pháp ưu tiên phát triển bền vững; Xây dựng danh mục và cập nhật các hệ số phải thải phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính; Triển khai tổ chức thực hiện điều tra hiện trạng phát thải khí nhà kính nhằm đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Lĩnh vực biển và hải đảo
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý tổng hợp, tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường lĩnh vực biển và hải đảo. Quản lý khai thác tốt tài nguyên, môi trường biển, đảo; phát triển hài hòa, bền vững các ngành kinh tế biển, vùng ven biển; ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật, từng bước thực hiện và đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018; Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ...
Tăng cường cơ sở, vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý nhà nước, các hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu về tiềm năng lợi thế của biển và các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học Biển và Đại dương; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; quản lý rác thải đại dương; nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên các đảo; duy trì, phát triển các hệ sinh thái biển góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Lê Hùng - Gia Kiệt
Bình luận