Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ tư, 16/03/2022 09:03
TMO – Về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ Công thương đề xuất, xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ sau năm 2030.
Trong bản trình số 1562/BC-VPCP về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công thương đề xuất, xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ sau năm 2030. Theo bản trình lần này, Bộ Công thương xây dựng hai phương án: phương án cơ sở (phương án 1) và phương án chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ (phương án 2).
Ở phương án 1, quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000MW và đến năm 2045 khoảng 343.000MW (chưa tính đến nguồn điện Mặt Trời áp mái hiện có khoảng 7.755MW và các nguồn điện phục vụ riêng cho các phụ tải khoảng 2.700MW vào năm 2030 và 4.500MW năm 2045).
Bộ Công thương đề xuất nghiên cứu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ (Ảnh minh họa)
Điện gió ngoài khơi đến năm 2030 ngưỡng 7.000MW, và 54.000MW đến năm 2045. Công suất điện gió trên bờ cũng tăng lần lượt là 14.721MW và 42.650 MW.
Như vậy, so với Tờ trình 1682 ngày 26/3/2021, tổng công suất nguồn điện theo phương án 1 đến 2030 thấp hơn khoảng 23.800 MW; trong đó có một số thay đổi lớn như: nhiệt điện khí LNG giảm 17.800MW; nhiệt điện than giảm gần 6.000MW; giãn tiến độ sau 2030 đối với điện Mặt Trời tập trung khoảng 5.550MW; điện điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.500MW; thủy điện tăng 5.324MW; điện gió ngoài khơi tăng 4.000MW; Thủy điện tích năng, lưu trữ tăng 1.500MW...
So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện năm 2030 tương đương, song có sự điều chỉnh cơ cấu nguồn; trong đó, nhiệt điện than giảm khoảng 14.800MW; giãn tiến độ sau 2030 đối với điện Mặt Trời tập trung khoảng 6.500MW (giảm); điện gió ngoài khơi tăng 7.000MW; Nhiệt điện khí LNG tăng 5.250MW; điện gió trên bờ tăng 2.860MW...
Ở phương án 2, quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 150.970MW và đến năm 2045 khoảng 426.857MW. Đặc biệt, với mục tiêu phát thải ròng đạt “0” vào năm 2050, vấn đề phát triển điện hạt nhân cũng được Bộ Công Thương đặt ra khi rà soát Quy hoạch điện VIII. Bởi, điện hạt nhân được xem là nguồn sản xuất điện cận sạch, đặc biệt sau COP26, đã được một số quốc gia công nhận là loại hình sản xuất điện sạch, do không phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương chưa báo cáo về quy hoạch phát triển lưới điện đồng bộ với phương án nguồn đề xuất lựa chọn, nên chưa có đầy đủ số liệu đánh giá về tổng vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII. Do đó, cũng chưa có đánh giá đầy đủ về kết quả giảm nhu cầu vốn đầu tư của quy hoạch sau khi hiệu chỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư riêng nguồn điện giai đoạn 2021-2030 giảm 18,2 tỷ USD; Giai đoạn 2011-2045 cao hơn 10,85 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nguồn điện cả giai đoạn 2021-2045 giảm khoảng 7,36 tỷ USD. Về lưới điện, khối lượng lưới điện truyền tải đã giảm hàng nghìn km và vốn đầu tư lưới điện truyền tải giảm lên đến khoảng 5 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030.
Còn về kiến nghị xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân, nhất là quy mô nhỏ sau năm 2030, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Nghị quyết 35 chưa nêu định hướng phát triển lại điện hạt nhân ở nước ta đến năm 2045. Bởi vậy, nếu thực sự cần thiết, cần báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến mới đủ cơ sở xem xét trong Quy hoạch điện VIII.
Lê Hùng
Bình luận