Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 09:09
Chủ nhật, 11/02/2024 07:02
TMO - Biến đổi khí hậu đã và đang gây thiên tai cực đoan và bất thường, năm 2024 các Bộ, ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.145 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. 2023 là năm thiên tai bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm, không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích với thiệt hại kinh tế ước khoảng 8.236 tỷ đồng. Trước diễn biến thiên tai cực đoan, lực lượng phòng, chống thiên tai và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã kịp thời, quyết liệt vào cuộc; chủ động tham mưu “từ sớm, từ xa”, phối hợp kịp thời với các Bộ, ngành, địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Trong năm qua đối với ngành Phòng, chống thiên tai là việc tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống. Ngành phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia, Kế hoạch quốc gia, Quy hoạch phòng, chống thiên tai, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai trong đó có Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai,…
Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và chính quyền các cấp địa phương đã quan tâm, vào cuộc quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó tại cơ sở; sơ tán kịp thời người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, không để xảy ra thiệt hại về người do nguyên nhân không sơ tán kịp thời tại các khu vực nguy hiểm.
Lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông tránh những thiệt hại đáng tiếc, đồng thời điều tiết hiệu quả, kịp thời các hồ chứa góp phần cắt lũ cho hạ du.
Các Bộ, ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban quốc gia) và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo quốc gia), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trên thế giới xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản; đối với nước ta, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực, nhất là Tây Nguyên và miền núi Bắc Bộ, nhiều sự cố khác, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, một số vụ tai nạn tàu thuyền trên biển... đã để lại hậu quả đáng tiếc, thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến người dân.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã cơ bản triển khai tốt các kế hoạch đề ra từ đầu năm 2023; theo dõi sát tình hình, chủ động, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân: Nhận thức của một bộ phận người dân, cơ sở sản xuất, chính quyền cơ sở về trách nhiệm phòng ngừa sự cố, thiên tai vẫn chưa thực sự được quan tâm đầy đủ, đúng mức nên vẫn còn có trường hợp chủ quan. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định pháp luật, hướng dẫn về phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa thường xuyên, liên tục dẫn tới những sơ hở trong quản lý đất đai, xây dựng đô thị, phòng cháy chữa cháy. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là phương tiện cứu hộ cứu nạn khẩn cấp ở vùng sâu, vùng biển xa, nhà cao tầng.
Năm 2024, theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan; bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố ở các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần nâng cao cảnh giác, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống sự cố, thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố, giữ vững nguyên tắc “phòng hơn chống”, “lấy phòng ngừa làm chính”...
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đề nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý: Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và triển khai Luật phòng thủ dân sự. Kiện toàn cơ quan chỉ đạo theo quy định của Luật phòng thủ dân sự trên tinh thần rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm của từng thành viên, bảo đảm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành chủ động rà soát, báo cáo rõ những vướng mắc, bất cập (nếu có) và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố, giữ vững nguyên tắc “phòng hơn chống”, “lấy phòng ngừa làm chính”: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước xây dựng được ý thức tự giác, cùng tham gia, tự bảo vệ mình cho người dân; hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân để giảm thiệt hại khi có thiên tai, sự cố, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước, ứng phó khi xảy ra bão, lũ, sạt lở đất, cháy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng, chống sự cố, thiên tai, đặc biệt trong công tác phòng, chống cháy nổ. Tăng cường đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ cứu nạn, nhất là ở cơ sở.
Chủ động làm tốt công tác phối hợp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố: Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong chỉ đạo, điều phối, huy động lực lượng ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Triển khai công tác huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng làm công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó lưu ý diễn tập phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, các tình huống đặt ra trong diễn tập phải sát thực tế.
Bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai; chủ động đề xuất mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị thật sự cần thiết, nhất là phương tiện, trang thiết bị cho cứu hộ, cứu nạn. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống sự cố, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Mạnh Dũng
Bình luận