Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Thứ ba, 12/07/2022 19:07
TMO - Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu không ngừng tăng.
Cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và việc giới thiệu định nghĩa về 'nền kinh tế tuần hoàn’ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đánh dấu nền tảng trong quá trình chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế nhận định với những cam kết này, Việt Nam đã trở thành một trong 70 quốc gia cam kết giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại.
Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Ảnh: H.T
Theo các chuyên gia, Trái đất đang phải đối mặt với 3 vấn đề nổi cộm gồm: tình trạng khẩn cấp về khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Các vấn đề này đều có chung nguyên nhân gốc rễ là sự phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch, những khoản đầu tư mang tính định hướng ngắn hạn và thiếu sự dự báo. Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam phát triển các thể chế và chính sách mạnh mẽ, thúc đẩy kinh doanh bền vững và giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp cải thiện những bất cập của quá khứ mà còn hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.
Với việc thay đổi cách khai thác, tiêu thụ và thải bỏ vật liệu theo hướng bền vững hơn, các chuyên gia quốc tế ước tính sẽ giúp giảm khoảng 45% lượng khí thải phát sinh. Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều giải pháp như nông nghiệp tái sinh, gạch không nung, chất thải thành năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, hóa học xanh... các giải pháp này rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38%. Vào năm 2050, 57% người Việt Nam sẽ được đô thị hóa, do đó việc xây dựng kinh tế tuần hoàn tại các đô thị là hết sức quan trọng. Các nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu của chính phủ các nước bao gồm cả Việt Nam sẽ tạo ra một nền kinh tế năng động hơn, tạo cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế xanh cũng mang lại cơ hội cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn và tạo ra nhiều việc làm mới.
Phạm Dung
Bình luận