Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 19:11
Thứ ba, 25/10/2022 14:10
TMO – Thời gian gần đây, Hà Nội thường xuyên xuất hiện trong nhóm những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao trên thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không nên quá quan tâm đến chỉ số xếp hạng này.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kết quả quan trắc chất lượng không khí từ các trạm của Nhà nước cũng như một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như PAMAir hay AirVisual trong thời gian gần đây cho thấy Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức có hại cho sức khỏe. Thậm chí, ở một vài thời điểm, khi so sánh với những thành phố trên thế giới, mức ô nhiễm này còn ở top đầu thế giới (theo AirVisual).
Tuy nhiên, chúng ta không nên quá quan tâm vào chỉ số xếp hạng trên vì nó chỉ là tương đối. Ông Tùng cho rằng, không thể phủ nhận là một số ngày trong thời gian gần đây, chỉ số AQI Hà Nội là cao, ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Điều này phù hợp với thực tế khi Hà Nội đã bắt đầu bước vào mùa ô nhiễm không khí bởi theo thông lệ, khi bước vào mùa đông, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố phía bắc bắt đầu có hiện tượng nồng độ bụi mịn, siêu mịn PM 2.5 rất cao. Theo ông Tùng, thời tiết đóng vai trò tác nhân làm tăng chỉ số AQI. Dự kiến tới đây sẽ còn tiếp tục chứng kiến những đợt ô nhiễm không khí khác nữa kéo dài suốt mùa đông.
Ảnh minh hoạ
Trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet. Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì có kích thước rất nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư…
Về nguyên nhân, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, có 2 nguồn bụi mịn PM2.5 gồm sơ cấp, và thứ cấp. Bụi sơ cấp phát sinh trực tiếp từ hoạt động như từ các quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt rác, bụi đường, từ các công trường xây dựng. Loại thứ 2 là thứ cấp, được tạo ra thông qua các phản ứng hóa học từ một số hợp chất khác nhau có trong không khí. Để hạn chế bụi mịn, việc đầu tiên cần phải xác định rõ nguồn ô nhiễm, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu. Điển hình như tại Hà Nội, nên tính đến bài toán kiểm soát phát thải khí thải từ ô-tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch. Hà Nội cũng cần khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng… Ngoài ra, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.
Phạm Dung
Bình luận