Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 23:11
Thứ bảy, 23/04/2022 06:04
TMO - Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Phương Liên (quận Đống Đà, Hà Nội), tại đình làng Trung Tự cây thị cổ hơn 300 năm tuổi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của dòng chảy thời gian lịch sử, nhưng vẫn hiên ngang rợp bóng mái đình.
Đình Trung Tự tọa lạc tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Ngay lối vào đình có cây thị cổ hàng trăm năm, cành lá xum xuê, sừng sững đứng nghiêm trang cạnh cổng. Cây thị cổ có chu vi gốc cây gần 6m, chu vi thân cây gần 5m, chiều cao 30m. Cây đứng, một thân, tán rộng với đường kính tán khoảng 18m.
Tán cây thị cổ thụ xanh tốt, rợp bóng cả khoảng sân đình
Theo các vị cao niên trong làng Trung Tự, cây thị ở đình có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc loại “thất tuyệt”, tức có 7 điều quý: cây thọ, tán rộng, chịu hạn, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh. Hiện nay, cây sống xanh tốt bình thường. Hàng năm cây ra hoa, kết trái đều đặn. Đến mùa hè hàng năm, quả thị rụng vàng kín cả sân đình.
Từ thời kháng chiến chống Pháp, dưới gốc cây thị tại đình làng là nơi thành lập trung đội tự vệ chiến đấu và Ủy ban cách mạng lâm thời Trung Tự. Đình làng cũng là nơi cất giữ truyền đơn, tập kết về nuôi giấu cán bộ về hoạt động trong vùng nội thành Hà Nội. Cho đến giờ cây vẫn chẳng khác xưa là bao, tán cây còn giúp che mát cho những hộ dân xung quanh đình, là nơi các cụ trong hội tư văn đã làm lễ tế các bậc tiên hiền nho học vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Cây thị cổ thụ một trong những chứng tích của thời kỳ kháng chiến oai hùng của nhân dân Trung Tự
Mới đây, 15/4/2022 cây thị cổ thụ vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đó là niềm vui và và tự hào của người dân làng Trung Tự mong chờ từ lâu sau khi đình Trung Tự được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1992 và được tu sửa vào năm 2020.
Cây được chăm sóc mỗi ngày để đảm bảo phát triển
Về công tác chăm sóc, bảo vệ cây, đại diện Ban quản lý đình cho biết: “Cây cũng giống như con người, càng nhiều tuổi thì càng phải chăm sóc cẩn thận hơn, hằng ngày cây thị luôn được tưới bón đúng cách, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để cây không bị già cỗi ”, vì vậy mà cây thị cổ vẫn luôn xanh tốt phát triển bình thường.
Ngày nay, mái đình làng, cây thị cổ là niềm tự hào, là những dấu ấn, những kỷ niệm không thể phai mờ của mỗi người dân Trung Tự, nhất là những người con sống xa quê hương.
Nguyễn Trang
Bình luận