Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ sáu, 02/09/2022 20:09
TMO - Trên huyện đảo Trường Sa, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng nên hệ sinh thái cây xanh trên mỗi đảo cũng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi gốc cây, từng ngọn cỏ nơi đây đều gợi lên những chân lý cao đẹp, khẳng định ý chí làm chủ cuộc sống của cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong hệ sinh thái cây xanh trên các đảo ở Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hoà), có những loại cây biểu trưng cho sức sống mãnh liệt nhất. Song Tử Tây là những dải phong ba, bão táp hiên ngang chắn gió, ngăn bão, trường tồn cùng năm tháng. Sơn Ca là một không gian khuôn viên cây mù u, tra, thông, xanh dịu mát. Nam Yết được mệnh danh đảo xanh với những cây bàng vuông di sản; những hàng dừa thẳng tắp như chính dáng đứng hiên ngang của lính hải quân giữa ngàn khơi.
Phong ba là loài cây có sức sống mãnh liệt, dù khí hậu hanh khô, nước biển mặn, thiên nhiên tàn phá nhưng phong ba và nhiều loại cây vẫn vươn dài trong nắng gió Trường Sa. Cây phong ba di sản cao 25m, chu vi thân cây 3,8m, tán rộng 35m, phát triển tươi tốt, chịu nắng gió, nước mặn. Quân dân trên đảo đã đúc biển “cây di sản” và xây khuôn viên xung quanh cây để chăm sóc, bảo tồn”. Cây di sản này gắn liền với chiều dài lịch sử của các đảo ở huyện Trường Sa.
Trên đảo Sinh Tồn có cây mù u khoảng 100 năm, cây cao khoảng 15m, có 3 nhánh, chu vi gốc cây hơn 3m. Nhiều lần hứng chịu bão biển nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái quanh năm. Cũng như các cây cổ thụ khác trên đảo, dưới gốc cây mù u này là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của bộ đội và điểm vui chơi, nô đùa yêu thích của trẻ em trên đảo.
Vào thế kỷ thứ XVII, khi triều đình nhà Nguyễn cho ngư dân ra các đảo khảo sát, quản lý, khai thác hải sản, nhiều cây đã phát triển xanh tốt như: cây phong ba, cây bàng vuông, cây mù u…Biết đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, sống bền vững trong nước biển mặn, các ngư dân lúc đó đã chăm sóc. Trước khi trở về đất liền sau những chuyến biển dài ngày, những ngư dân cũ lại bàn giao cho các ngư dân mới về sự có mặt của cây phong ba trên đảo Song Tử Tây. Đây như là chứng tích chủ quyền nên tất cả ngư dân đều có ý thức chăm sóc, bảo vệ và coi đó là cây đặc trưng của doi cát vàng giữa biển.
Ngày 5/6/2020, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh đã ký Quyết định công nhận 4 cây cổ thụ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là Cây Di sản Việt Nam, gồm: cây phong ba (trên đảo Song Tử Tây); cây mù u (trên đảo Sơn Ca); cây bàng vuông (trên đảo Nam Yết) và cây mù u (trên đảo Sinh Tồn). Trong đó, cây mù u ở đảo Sinh Tồn khoảng 100 năm tuổi, 3 cây còn lại có tuổi đời trên dưới 300 năm.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Việc công nhận và cấp bằng cho 4 cây di sản ở Trường Sa không chỉ khẳng định ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục truyền thống và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam - một đất nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán độc lập như những quốc gia khác”.
Phạm Dung
Bình luận