Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 26/03/2022 22:03
TMO - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để ô nhiễm tại các khu vực này, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.
Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đi kèm với với sự phát triển của làng nghề là ô nhiễm môi trường gia tăng. Số liệu thống kê từ đơn vị này cho thấy, hiện nay Hà Nội có 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm và 63 làng nghề không gây ô nhiễm.
Trong đó khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn… Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…
Bụi, tiếng ồn, mùi sơn là những yếu tố tác động tới môi trường tại nhiều làng nghề mộc tại các huyện ngoại thành Hà Nội
Nhằm đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, đề án đang được thực hiện theo từng giai đoạn.
Ở giai đoạn 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm; nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xử lý.
Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phân loại làng nghề và thực hiện xử lý ô nhiễm tại những làng nghề truyền thống chưa có phương án bảo vệ môi trường; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...
Cũng trong giai đoạn này, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp làng nghề...
Phạm Oanh
Bình luận