Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 21/12/2024 15:12
Thứ hai, 27/02/2023 14:02
TMO – Tại các vùng nông thôn khu vực Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại. Đây là một trong những “thủ phạm” làm gia tăng ô nhiễm không khí, giảm chất lượng sống.
Do thói quen nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, nên hầu hết người dân đã đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Nhiều khu vực rơm rạ chất đống cao phơi khô ngay dưới đường dây điện. Không những làm gia tăng ô nhiễm không khí, mà còn gây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cho hệ thống lưới điện và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đặc biệt là hàng không. Đối với hệ thống lưới điện, việc đốt rơm rạ khiến nhiệt độ dây tăng cao, quá trình oxy hóa diễn ra nhanh hơn, tuổi thọ và chất lượng của dây, lớp cách điện bên ngoài sẽ giảm đi nhanh chóng. Mặt khác, khi có ảnh hưởng của gió, đám cháy lan nhanh, những nơi rơm, rạ bị bắn lên đường dây cũng sẽ bị bắt lửa từ đó gây sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của hệ thống lưới điện.
Khói từ đốt rơm rạ làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Ở Hà Nội, tình trạng nhà cao tầng quá nhiều so với các địa phương khác đã dẫn tới hiện tượng này. Vì lý do đó, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao do khí thải độc hại từ động cơ và khu công nghiệp không thoát lên cao mà tập trung dưới mặt đất nên dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa. Nhiều nghiên cứu về tác hại của việc đốt rơm rạ đến chất lượng không khí đã đưa ra những giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, dường như người nông dân vẫn không thể tiếp cận được những kết quả này và vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe như thế nào.
Đồng thời gây ảnh hưởng đến giao thông.
Tại các vùng đô thị (đặc biệt là Hà Nội), các chuyên gia cho rằng, việc người dân đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí xuống mức thấp. Các chuyên gia phân tích, một sào ruộng cấy lúa, người dân chỉ thu được khoảng 400.000 đồng, sau thời gian dài chăm sóc, nhưng lại phải trích tiền đấy ra để thuê người thu gom rơm rạ, tự mua chế phẩm sinh học, mất thêm công sức... nên rất khó để người nông dân từ bỏ việc đốt bỏ rơm rạ như hiện nay. Chúng ta chưa thấu hiểu họ, chưa có sự hỗ trợ phù hợp, cụ thể nên giải pháp đưa ra đều không đạt được hiệu quả như mong muốn, hoặc chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn như các dự án hỗ trợ, sau đó đâu lại vào đó.
Về giải pháp, theo các chuyên gia, các giải pháp đưa ra cần phù hợp với từng vùng, từng địa phương và cần có sự vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý về môi trường, mà cả các ban ngành quản lý về kinh tế, nông nghiệp, nhà doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động. Các giải pháp cần được áp dụng vào thực tế một cách linh hoạt, quan tâm sâu sát để phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng mảnh ruộng… Vì nhiều thửa ruộng cao, khi thu hoạch mặt ruộng khô khốc sẽ không có nước để sử dụng chế phẩm sinh học tự phân huỷ. Nếu ruộng thấp, trũng, mưa ngập cũng sẽ gây khó khăn cho các phương tiện máy móc vào cuốn rơm rạ.
Nếu rơm rạ bán được dễ dàng, hoặc có sự hỗ trợ miễn phí mua chế phẩm sinh học, hướng dẫn để người dân ủ rơm làm phân bón, hay có những giải pháp lâu dài khác thì người nông dân sẽ ủng hộ, không còn mất công đốt bỏ và gây ra tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay. Người nông dân thu nhập từ thu hoạch lúa gạo thấp, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nghiên cứu áp dụng công nghệ số để có thể vừa giải quyết được vấn đề này mà vừa hợp với lòng dân. Nếu chỉ áp dụng giải pháp hành chính, xử phạt, xử lý… thì không căn cơ, khó xử lý dứt điểm đôi khi sẽ gây ra những khó dễ nhất định cho cả người dân và người đi xử lý.
Cần sự thay đổi tư duy của các cơ quan chức năng, nhà quản lý môi trường về vai trò của rơm rạ. Rơm rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả rơm rạ, vừa có thể biến rơm rạ thành nguồn nguyên liệu mới như làm phân bón hữu cơ, phân bón nhả chậm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay trồng nấm…Khi đó, nó sẽ trở thành một yếu tố quan trọng của vòng kinh tế tuần hoàn, mang lại sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp nước nhà. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm, rạ. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện kiểm soát và giám sát hoạt động đốt rơm rạ lẫn nhau, tiến tới thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ như hiện nay.
Nguyễn Vinh
Bình luận