Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 07:11
Thứ bảy, 22/07/2023 19:07
TMO – Quy hoạch bảo vệ và phát triển thủy sản đưa ra định hướng lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu có giá trị kinh tế. Đa dạng hình thức lưu giữ nguồn gene, lựa chọn đối tượng tiềm năng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế.
Theo đó, định hướng phát triển nguồn lợi thủy sản trong quy hoạch là tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi trữ lượng nguồn lợi, đặc biệt các loài có giá trị kinh tế quan trọng, loài đặc hữu, loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Tăng quy mô, diện tích khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Thành lập mới và hoạt động hiệu quả hệ thống mạng lưới các khu bảo tồn biển góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo; gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái biển, góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái biển và các nguồn tài nguyên biển.
Cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở các khu vực sinh sản, khu ương nuôi nguồn giống thủy sản tập trung của các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm, loài bản địa và loài di cư hướng đến phục hồi, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản. Hình thành nơi cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng và ngăn ngừa, dần hạn chế, chấm dứt nghề lưới kéo vốn gây hại cho hệ sinh thái biển. Cấm các loại nghề, ngư cụ khai thác gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.
(Ảnh minh họa)
Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu có giá trị kinh tế. Đa dạng hình thức lưu giữ nguồn gene, lựa chọn đối tượng tiềm năng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế. Tăng cường giám sát môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt vùng biển ven bờ, vùng tập trung phát triển kinh tế biển; dự báo xu thế biến động, suy thoái môi trường và các tác động tiêu cực; xử lý có hiệu quả và kịp thời ô nhiễm môi trường ở các vùng biển và trên các thủy vực.
Ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuân thủ các quy định bảo vệ loài rùa biển, thú biến và giảm thiểu đánh bắt loài không chủ ý. Khuyến khích tối đa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội trong hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch khoảng 9.035 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 21%, vốn địa phương chiếm 24,5%, vốn huy động từ các nguồn khác chiếm 54,6%. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cần vốn khoảng 1.250 tỷ đồng, chiếm 13,8%; phần còn lại hơn 86% là của giai đoạn 2026-2030.
Quy hoạch dự kiến 5 nhóm dự án ưu tiên đầu tư về điều chỉnh, thành lập mới khu bảo tồn biển; đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các khu vực bảo tồn biển; đầu tư hình thành khu vực cư trú nhân tạ cho các loài thủy sản ở biển; lưu giữ, bảo tồn nguồn gốc gen các loài thủy sản; đầu tư, tăng cường năng lực các Viện nghiên cứu thủy sản.
Theo các chuyên gia, các hợp phần riêng rẽ trong bộ hồ sơ đều được chuẩn bị cẩn thận, có cấu trúc phù hợp với yêu cầu, dễ theo dõi, có căn cứ khoa học và thực tiễn. Thông tin được mô tả trong các báo cáo có tính cập nhật, đủ độ tin cậy và phản ánh đúng thực tế các thông tin "đầu vào" hiện có ở nước ta, bên cạnh đó đã phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực có ảnh hưởng đến nghề cá nước ta trong thời gian tới.
LÝ LAN
Bình luận