Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 11:01
Thứ hai, 20/11/2023 11:11
TMO – Cà Mau sẽ phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau "Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối", trong đó Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nông, lâm, ngư nghiệp sẽ phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái hữu cơ. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 03 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Mũi Cà Mau - Điển du lịch nổi tiếng của tỉnh Cà Mau.
Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, Cà Mau phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau "Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối", trong đó Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về công nghiệp, sẽ phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất khí Hydrogen (H2), Amoniac (NH3) tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh như: phân bón, khí công nghiệp, hóa chất cơ bản...
Năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 11/2022 ước đạt 54,43 nghìn tấn, tăng 6,21% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 566,96 nghìn tấn, tăng 0,94% so cùng kỳ; trong đó: tôm 209,47 nghìn tấn, tăng 5,72% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11/2022 ước đạt 34,60 nghìn tấn, tăng 9,84% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 356,42 nghìn tấn, tăng 5,42% so cùng kỳ; trong đó: tôm 201,01 nghìn tấn, tăng 5,90% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2022 ước đạt 19,83 nghìn tấn, tăng 0,41% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 210,54 nghìn tấn, giảm 5,83% so cùng kỳ.
Trong khi đó, kết quả hoạt động du lịch năm 2022 tỉnh Cà Mau thu hút được gần 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 123%, tổng doanh thu đạt hơn 2.135 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 11/2022, Cà Mau đón 123.900 lượt khách, doanh thu đạt 215,3 tỷ đồng.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận