Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ sáu, 21/10/2022 11:10
TMO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, trong đó bổ sung thêm quy định cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất hàng năm.
Tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ chưa quy định việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất đối với các cơ sở hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Nhiều cơ sở hóa chất sau khi xây dựng biện pháp không tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.
Chính vì thế khi xảy ra sự cố hóa chất, các cơ sở nói trên còn lúng túng, ứng phó không kịp thời, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các sự cố đối với các hóa chất nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP như NH3, Cl2, HF, HCl, Xyanua, Metanol...
Để khắc phục những hạn chế trên, Nghị định số 82/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó với sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất và huấn luyện định kỳ ít nhất 02 năm một lần.
Đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất được quy định: Nhóm 1, bao gồm: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; Cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất. Nhóm 2, bao gồm: Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở; Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc. Nhóm 3, bao gồm người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.
Thời gian huấn luyện định kỳ từ lần thứ hai trở đi bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu, trừ trường hợp phải được huấn luyện. Theo đó, đối với Nhóm 1: Tối thiểu 8 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra; Đối với Nhóm 2: Tối thiểu 12 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra; Đối với Nhóm 3: Tối thiểu 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Ảnh minh họa
Hiện nay, khai báo hóa chất nhập khẩu triển khai qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Thông tin khai báo hóa chất được tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương, khi đó hệ thống của Bộ Công Thương tự động phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.
Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu các hóa chất để kinh doanh thuộc đối tượng phải cấp giấy phép Kinh doanh hóa chất hạn chế trong đó bao gồm một số hóa chất đặc biệt nguy hiểm như dinitơ oxit, các hợp chất xyanua, các hợp chất thủy ngân nhập khẩu để kinh doanh mà chưa được cấp giấy phép hoặc vượt quá khối lượng được cấp giấy phép, nhưng hệ thống vẫn tự động phản hồi kết quả mà không có biện pháp chế tài kịp thời để quản lý các tổ chức, cá nhân không đạt điều kiện, dẫn tới việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh và trật tự xã hội.
Do vậy, Nghị định số 82/2022/NĐ-CP bổ sung quy định mới về các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu. Theo đó, các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu gồm: Các hóa chất nguy hiểm cần kiểm soát khi thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu bao gồm: dinitơ oxit, xyanua và các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân.
Trong thời hạn 16 giờ làm việc, kể từ thời điểm hệ thống Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ khai báo đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, Cơ quan, cá nhân khai báo. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo gửi phản hồi trên hệ thống điện tử đến tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Các trường hợp hồ sơ không hợp lệ bao gồm tổng khối lượng hóa chất nhập khẩu tính từ đầu năm đến thời điểm khai báo lớn hơn khối lượng được cấp phép trong năm, các tài liệu đính kèm không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều này, thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu chưa chính xác. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo phê duyệt hồ sơ và phản hồi thông tin khai báo, thông tin được phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.
Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin khai báo theo biểu mẫu có sẵn trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và các văn bản, chứng từ, dữ liệu điện tử trong bộ hồ sơ khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trường hợp thông tin khai báo không chính xác, hồ sơ khai báo hóa chất điện tử là cơ sở để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành hành xử phạt vi phạm hành chính. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ bộ hồ sơ khai báo hóa chất để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu 5 năm.
Quy định trên nhằm xây dựng khung pháp lý về thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đối với các trường hợp cần kiểm soát đặc biệt như các hợp chất thủy ngân, dinitơ oxit, các hợp chất xyanua; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất nhập khẩu.
Minh Thu
Bình luận