Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ sáu, 08/09/2023 19:09
TMO - Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về tài chính về khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn để giải quyết các khó khăn.
Theo đó, dù Luật Khoáng sản hiện hành đã có quy định về tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng chưa có quy định về nguồn thu từ lĩnh vực địa chất, nhất là hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất. Khắc phục vướng mắc này, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang lấy ý kiến nhân dân đã bổ sung nội dung tài chính về địa chất.
Cụ thể, dự thảo quy định nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động điều tra cơ bản địa chất và hoạt động khoáng sản gồm: Thuế theo quy định của pháp luật về thuế; phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; tiền hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư theo quy định của Luật này; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này.
(Ảnh minh họa)
Liên quan đến nội dung về tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về tài chính về khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua khi thi hành các quy định liên quan đến tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo đã xem xét bổ sung quy định về xác định tiền cấp quyền khai thác theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Đồng thời điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp: Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xem xét đến trường hợp khoáng sản được khai thác thấp hơn so với trữ lượng được phê duyệt; xem xét trường hợp không được triển khai do lý do khách quan khác (Không giải phóng được mặt bằng,...).
Đối với khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tiếp tục quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng đơn giản, minh bạch, phù hợp với Luật đấu giá tài sản; nghiên cứu bổ sung các quy định đảm bảo sau khi đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhanh chóng thực hiện dự án, không bị cản trở các yếu tố bất khả kháng như không thỏa thuận được về thuê đất hoặc chồng lấn với dự án khác hoặc giá đền bù quá lớn; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với Luật Đầu tư liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu tư. Ngoài ra, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng đưa ra những quy định mới về nguyên tắc đấu giá; giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tiền đặt cọc; hồ sơ mời đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá và tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; hủy quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
Thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
HOÀI KỲ
Bình luận