Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 03:11
Thứ hai, 02/05/2022 08:05
TMO - Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng…là những mục tiêu trong dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Dự thảo chiến lược đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan. Các vấn đề trọng tâm bao gồm: ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; nông nghiệp và an ninh lương thực; rừng và các hệ sinh thái, phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; y tế và sức khỏe; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới.
Về giảm phát thải khí nhà kính, dự thảo Chiến lược đã tính toán chi tiết các phương án giảm phát thải cho các lĩnh vực năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp đến 2050. Việc lựa chọn giải pháp giảm phát thải ưu tiên các công nghê tiên tiến nhất tại Việt Nam và chuyển giao, ứng dụng công nghệ trên thế giới.
Sử dụng năng lượng tái tạo - giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa phát thải khí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 3 phương án giảm phát thải. Trong đó, phương án 1 có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao (chiếm 73%% tổng năng lượng vào năm 2050), nhất là tỷ lệ điện mặt trời tập trung nên dự kiến cần diện tích đất rất lớn. Phương án 2 có tỷ trọng thấp hơn, nếu muốn đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện cam kết phát thải bằng 0 sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) cho giai đoạn từ năm 2035 trở đi. Bù lại, phương án này có kết quả chi tiết của các biện pháp giảm phát thải và chi phí đầu tư đối với từng lĩnh vực, công nghệ nên thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát. Bên cạnh đó, dự báo các công nghệ thu giữ và sử dụng các-bon sẽ hoàn thiện hơn với giá thành rẻ hơn trong giai đoạn từ năm 2030 trở đi. Phương án 3 là Phương án 2 nhưng có thêm điện hạt nhân thay thế một phần cho điện than, được áp dụng cho giai đoạn sau năm 2035 khi mức độ an toàn và giá thành phù hợp.
Để triển khai các giải pháp giảm phát thải, Việt Nam sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương (tđ) trở lên từ năm 2022; 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050.
Bên cạnh đó, xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình phát thải ròng về “0”, loại trừ chất làm suy giảm tầng ozon.
Phạm Yến
Bình luận