Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ sáu, 24/06/2022 22:06
TMO – Đảo Quan Lạn (hay còn gọi là đảo Cảnh Cước) là một hòn đảo nhỏ nằm trên vịnh Bái Tử Long thuộc xã Quan Lạn và Minh Châu, cách trung tâm huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 40 km. Đảo có tổng diện tích trên 10 km2, trải dài từ chân núi Vân Đồn đến núi Gót với dân số khoảng trên 8.000 người.
Đảo Quan Lạn nằm trong vùng vịnh Bái Tử Long nên cũng mang đặc điểm khí hậu của vùng này với 2 mùa rõ rệt: mùa hạ nóng ẩm, và mùa đông khô lạnh. Nhiệt độ trung bình năm từ 15 °C- 25 °C; lượng mưa vào khoảng 2000mm / năm. Do vị trí nằm trong một ngư trường kín gió, nước sâu, ít lắng đọng nên nơi đây có nhiều hải sản sản vật phong phú về loài: Tôm he, mực, sá sùng, bào ngư, tôm hùm, hải sâm…trong đó, sái sùng Quan Lạn là hải sản nổi tiếng. Từ trước khi thương cảng Vân Đồn được lập, đảo Quan Lạn với hình thế và vị trí đặc biệt của mình, chạy gần như song song với đất liền, ngăn thành một vụng biển kín gió, nước sâu, dòng rộng, thuyền bè đi lại an toàn, tạo thành một tuyết đường biển quan trọng.
Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Quan Lạn nhìn từ trên cao. Ảnh: M. Chinh
Trên đảo là cụm di tích được xây dựng liền kề, nối tiếp nhau trên một dải đất tại xã Quan Lạn, Vân Đồn. Mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều mang những dấu ấn riêng. Điểm đầu tiên đó là đình Quan Lạn. Ngôi đình hiện tại được xây dựng vào những năm 1890-1900 với bái đường nối với hậu cung. Trên nóc đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong. Bên trong đình được trang trí chủ yếu là hình tượng rồng, phượng và hoa lá được chạm khắc tỉ mỉ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Điều đặc biệt, nơi đây còn cất giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến đời Bảo Đại. Cũng như nhiều ngôi đình khác ở làng quê Việt Nam, đình Quan Lạn thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng, sau đó phối thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông và gắn bó với vùng đảo này. Đình Quan Lạn còn thờ cả Dương Không Lộ và “Tứ vị Thánh nương” là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển.
Cụm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đình, chùa, đền Quan Lạn. Ảnh: Đỗ Phương
Ngay cạnh chùa Quan Lạn là miếu, nghè Quan Lạn thờ ba anh em họ Phạm gồm Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng. Theo bia đá tại đây khắc ghi, ba vị tướng này là người Quan Lạn. Ba tướng đã lập công lớn trong ba lần chống giặc Nguyên Mông (1258-1285-1288). Trong ba lần đó, phải kể đến lần thứ 3 vào tháng 1-1288, dưới sự chỉ huy tài tình của Nhân Huệ Vương, Trần Khánh Dư, ba vị tướng cùng với quân dân Vân Đồn đã tiêu diệt trên 100 chiến thuyền và hơn 70 hộc lương cùng khí giới của triều đình nhà Nguyên do tướng Nguyên là Trương Văn Hổ chỉ huy tại dòng sông Mang, xã Quan Lạn, Vân Đồn, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử tháng 4/1288.
Cách hệ thống chùa Quan Lạn khoảng 1,5km là đền thờ Trần Khánh Dư, một vị danh tướng nhà Trần đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Cụm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, đình, chùa, đền Quan Lạn được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990.
Chiến lược phát triển đảo Quan Lạn
Thánh 2/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực đảo Minh Châu – Quan Lạn, Khu kinh tế Vân Đồn. Đây sẽ là khu du lịch văn hoá, sinh thái biển đảo cao cấp, khu dịch vụ hậu cần cảng với diện tích quy hoạch khu vực đảo Minh Châu – Quan Lạn vào khoảng 4.360ha, trong đó 724ha thuộc xã Minh Châu và 3.636ha thuộc xã Quan Lạn. Quy mô dân số khoảng 43.000 người. Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển đảo Minh Châu – Quan Lạn trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần, dịch vụ tập trung, đầu mối hỗ trợ của quần đảo Vân Hải; Kết hợp giữa cải tạo chỉnh trang hiện trạng và phát triển mới để tạo động lực phát triển bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển chung khu kinh tế Vân Đồn.
Đảo Quan Lạn sẽ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp
Đồng thời xây dựng đảo Minh Châu – Quan Lạn trở thành khu du lịch văn hoá, sinh thái biển đảo, khu dân cư đô thị có chất lượng cao, gắn kết với hệ sinh thái vịnh Bái Tử Long, hệ thống các đảo và đồi núi, tạo nên trung tâm dịch vụ công cộng, du lịch văn hoá trên biển; Trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với cảnh quan sinh thái và văn hoá đặc trưng tại khu vực.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch được chia làm 8 phân khu chức năng, bố trí trọng tâm tại các trục mở rộng, hướng ra biển. Bao gồm: khu dịch vụ, văn hoá Quan Lạn (khu vực dân cư hiện trạng trong đê Quan Lạn), phát triển các chức năng dân cư đô thị, hỗ trợ nhu cầu cải tạo và bổ sung dịch vụ tại khu vực; hình thành tuyến phố du lịch, văn hoá du lịch truyền thống gắn với lịch sử lâu đời. Diện tích khu vực này là 414,6ha, dân số 3.000 người, tầng cao tối đa công trình là 6 tầng, mật độ xây dựng trung bình 30 – 60%;
Khu trung tâm dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái biển Quan Lạn và bến thuyền Quan Lạn mở rộng: phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, tổng hợp hậu cần cảng của quần đảo Vân Hải, khu đô thị sinh thái biển kết nối liên kết với trung tâm xã hiện có. Diện tích là 401,6ha, dân số 15.000 người, tầng cao tối đa 12 tầng, mật độ xây dựng trung bình khoảng 40%;
Khu du lịch cao cấp thuộc khu vực đồi núi phía Nam đảo. Tại đây sẽ hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch cao cấp gắn với bảo tồn rừng; bảo vệ sinh thái tự nhiên ven các bãi đá và điểm du lịch Eo Gió. Diện tích 478,8ha, dân số khoảng 2.200 người, tầng cao tối đa là 8 tầng, mật độ xây dựng trung bình 25%;
Khu trung tâm hỗ trợ vùng (khu vực trung tâm đảo) có vai trò kết nối các hoạt động trên đảo và hỗ trợ cho cả quần đảo Vân Hải. Theo quy hoạch, tại đây sẽ phát triển khu công viên lễ hội trung tâm, trung tâm giáo dục, hậu cần sản xuất chế biến sạch, khu vực sân bay trực thăng vận chuyển và cứu hộ với diện tích khoảng 294,7ha, dân số khoảng 2.100 người, tầng cao tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng trung bình 25%; Khu du lịch sinh thái biển cao cấp ven biển phía Đông, ưu tiên phát triển các khu du lịch, dịch vụ cao cấp, phát triển thành khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao với diện tích khoảng 682ha, dân số khoảng 11.200 người, tầng cao tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng trung bình là 25%; Khu bảo tồn sinh thái rừng thuộc phía Bắc xã Minh Châu với hệ sinh thái rừng trâm, bãi sá sùng và bãi rùa đẻ cần được bảo vệ.
Tú Quyên – Đình Anh
Bình luận