Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Chủ nhật, 19/02/2023 13:02
TMO - Được sự giới thiệu từ người bạn làm thủy thủ bảo dưỡng tàu, tôi có dịp tham gia chuyến ra khơi kéo dài suốt nhiều ngày, lộ trình từ vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) đến Hạ Long (Quảng Ninh). Chuyến đi mang đến cho tôi cơ hội được tiếp cận, làm việc, sinh hoạt cùng những thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết với lý tưởng “nổi gió căng buồm”.
Đức là bạn cấp ba của tôi. Sau khi kết thúc kỳ thi Trung học Phổ thông, bạn tôi không học tiếp Đại học mà quyết định học nghề và tích góp vốn luyến. Được khoảng hai năm, Đức nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Hàng hải II tại Thành phố Hồ Chí Minh và thêm hai năm nữa để hoàn tất chương trình học và xin làm việc cho một công ty hàng hải. Hiện, anh đang đảm nhận việc bảo dưỡng máy móc cho tàu vận chuyển hàng hóa tại khu vực biển Đông.
Đặc thù của nghề đòi hỏi thủy thủ đoàn thường xuyên phải sống xa bờ, chấp nhận tình cảnh lênh đênh vô định. Trong một lần hiếm hoi được trở về nhà vào cuối năm 2022, tôi gặp lại Đức và nhận lời tham gia chuyến đi biển từ miền Trung ra miền Bắc. Giữa tháng 11/2022, tôi đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Dưới sự hướng dẫn của một người dân địa phương, tôi di chuyển đến Vân Phong (huyện Vạn Ninh) - một huyện đảo nổi tiếng cách thành phố biển Nha Trang gần 60km. Đây cũng là nơi tàu bạn tôi đang neo đậu.
Vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) trong buổi sương sớm.
Là một phóng viên thường xuyên di chuyển để tác nghiệp giữa các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Nam Bộ, tôi từng có dịp tham quan, thưởng lãm nhiều bãi biển nổi tiếng (Cần Giờ, Tân Thành, Bình Đại, Vũng Tàu,…), tuy nhiên, đây là lần đầu tiên người con của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được đặt chân đến miền biển thuộc địa phận miền Trung. Nhờ đi nhiều nơi và tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm, tôi nhận ra biển Duyên hải Nam Trung Bộ hoàn toàn không giống với khu vực Nam Bộ hay Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, có một điều có thể chắc chắn, dù ở bất cứ nơi đâu, thiên nhiên nói chung và biển nói riêng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống, gắn liền với những đặc trưng về tập quán, văn hóa của các vùng biển, hải đảo.
Biển đảo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Trên góc độ văn hóa - lịch sử, Việt Nam ta là quốc gia có nền văn hoá đa dạng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh, song luôn có sự gắn bó mật thiết với sông ngòi và biển đảo. Theo tích xưa truyền lại, thủy tổ của dân tộc Lạc Việt vốn là Long Thần, tên là Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông. Duyên số giúp hai người gặp nhau, kết đôi chồng vợ và sinh ra trăm con. Tuy nhiên, Lạc Long Quân không quen thổ nhưỡng trên cạn nên đành chia nhau mỗi người cai quản một phương. Năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng, 50 mươi người con cùng Lạc thần (Lạc Long Quân) về miền biển cả. Chính vì thế, biển không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, mang đến nhiều lợi ích thủy sản dồi dào mà còn rất ngần gũi, có tính gắn kết với đời sống người dân. Tôi nhớ trong tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi kể về sự kiện nhân vật Ngạn từ thị thành về miền biển, ông cũng từng ví von một câu tương tự: “Tôi tới Quy Nhơn như tới một thế giới mới". Con trai núi về thành phố biển.
Trên góc độ phát triển nghề Nông - Lâm - Ngư Nghiệp, biển cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống sinh kế của người dân. Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch, biển đảo đa dạng, dồi dào không chỉ giúp việc sản xuất lúa gạo đạt nâng suất cao, trở thành ngành nông nghiệp mũi nhọn mà còn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, hàng hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn tại khu vực và thế giới. Đặc biệt, mặt hàng lúa gạo luôn có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh và ổn định trong suốt thời gian qua bất kể những ảnh hưởng ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Điều này càng thêm củng cố tầm quan trọng của biển và ngành vận tải hàng hải trong việc lưu thông hàng hóa, duy trì, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng mọi vùng biển đều có những nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào giống với nơi nào. Chính điều này đã định hình và tạo nên nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Nhiều người có lẽ không thích một vùng biển thường xuyên ngập rác. Nhưng không thể phủ nhận tinh thần vượt khó và ý chí nỗ lực phi thường của người dân và chính quyền các cấp trong việc cải tạo thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hướng đến thay đổi tư duy trong thời đại mới. Hay, bầu không khí nhộn nhịp, thường xuyên chật cứng du khách và đâu đó vẫn còn tình trạng giá “chặt chém” của một số thành phố biển đôi khi cũng trở thành vấn đề khiến người dân cảm thấy ngán ngẩm. Song chính những khó khăn, thách thức ấy đang dần trở thành cơ hội và sứ mệnh, cần chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hướng đến phát triển kinh tế địa phương, song song với việc chú trọng bảo vệ môi trường sống.
Công việc của bạn tôi là một phần nhỏ trong cả sứ mệnh to lớn ấy. Dẫu biết cuộc sống lưng chừng giữa trời và biển chắc chắn có nhiều khó khăn, vất vả nhưng phải đến khi thật sự được trải nghiệm, thưởng thức hương vị khắc nghiệt của biển cả, tôi mới nhận ra mỗi người sinh ra luôn gánh vác trên mình một sứ mệnh. Và sứ mệnh của tôi là cố gắng truyền tải và mang đến những điều chân thật nhất, chính xác nhất về những con người, hành trình đặc biệt này đến quý bạn đọc.
(Còn nữa)
Ghi chép của Huỳnh Kha
Bình luận