Hotline: 0941068156

Thứ hai, 20/01/2025 16:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ hai, 20/01/2025

Bếp lửa trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Tày ở Lâm Bình

Chủ nhật, 15/01/2023 05:01

TMO - Bếp lửa được ví như "trái tim" của nhà sàn, đó là nơi không chỉ diễn ra những sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi kết nối tâm tư tình cảm của các thế hệ người Tày ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, đó là một không gian đầm ấm và linh thiêng của người Tày.

Ngôi nhà sàn của người Tày ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 

Nếu đã từng có dịp đến với mảnh đất Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, chắc hẳn sẽ khó quên nét văn hóa rất đặc trưng của người Tày ở nơi này. Đó là nét văn hóa tâm linh trong các bếp lửa. Cũng như trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc khác, đối với người Tày ở huyện Lâm Bình, bếp lửa có vai trò, vị trí quan trọng, vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, vừa là nơi thờ “Thần Bếp lửa” nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ, làm ăn thuận lợi. Vì vậy, họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay giữa không gian núi rừng. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối và góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân sinh sống nơi núi rừng vùng cao.

Nói đến bếp lửa của người vùng cao không phải chỉ nói đến bếp lửa với thanh củi và hòn than rực lửa mà còn nói đến cả không gian bếp lửa trong những căn nhà truyền thống với những cuộc trò chuyện quây quần. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao, cho nên bếp lửa còn gắn với những vui, buồn và kỷ niệm. Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt.

Bản làng của người Tày tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 

Hoàng hôn khuất sau núi đá rồi tắt dần, đêm xuống bản làng người Tày ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trở nên tĩnh mịch, đâu đó trong từng nếp nhà sàn vang lên tiếng cười đùa, nói chuyện. Từng đợt gió mùa lùa qua liếp nứa len lỏi vào từng ngóc ngách bốn gian nhà trống huơ trống hoác, bếp lửa liu riu bụi bếp trắng xóa bám đầy trên tóc của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ dân tộc Tày sớm hôm tần tảo bên chái bếp vuông đỏ lửa, luôn chu đáo, đảm đang, biết trách nhiệm của mình trong việc chăm lo bếp lửa cũng như chăm lo hạnh phúc gia đình.

Việc làm bếp trên ngôi nhà sàn của người Tày ở Lâm Bình khá phức tạp, gồm 2 phần việc là làm khung bếp và làm gác bếp. Khung bếp làm bằng gỗ, ghép mộng hình vuông, cạnh dài khoảng 1 sải tay, 2 cạnh sườn kéo dài gác lên 2 chiếc xuyên sàn ở phía dưới. Phần lòng bếp đóng thành hộp như 1 chiếc thùng chắc chắn, có chiều sâu khoảng 3-4 gang tay, kín xung quanh để đựng đất kê bếp. Phần gác bếp chủ yếu làm bằng tre với kỹ thuật đục mộng. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, trên tầm người đứng. Gác bếp là nơi bảo quản hạt giống, các công cụ nông nghiệp hay bó măng khô. Hiện nay, gác bếp là nơi để bảo quản các loại thịt (thịt lợn, thịt bò, thịt trâu). Và các món thịt treo gác bếp (thịt trâu khô, lợn treo gác bếp…) là đặc sản của đồng bào dân tộc được nhiều người ưa chuộng.

Bếp lửa không chỉ diễn ra những sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi kết nối tâm tư tình cảm của các thế hệ người Tày ở huyện Lâm Bình 

Thông thường, người dân tộc Tày sẽ làm bếp mới khi dựng nhà mới. Và cái bếp đó sẽ được sử dụng đúng theo tuổi thọ ngôi nhà. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được dựng xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Vì vậy, người châm bếp lửa vô cùng quan trọng. Gia chủ sẽ mời một hoặc vài người già có uy tín trong làng bản đến châm bếp và chúc phúc cho gia chủ. Sau đó, gia đình sẽ chuyển vào ở trong ngôi nhà mới và phải giữ cho ngọn lửa trong cái bếp mới cháy liên tục trong một ngày một đêm, hoặc ba ngày ba đêm thì càng tốt. Làm như vậy, gia đình mới yên vui, hạnh phúc, ăn nên làm ra…

Với quan niệm, Thần lửa là vị thần may mắn nên ở ngay cạnh bếp chính. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng một, rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng Thần bếp lửa.

Với người Tày, bếp lửa là nơi quần tụ gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người lớn nấu nướng, trò chuyện, còn mấy đứa nhỏ hào hứng, chí chóe thi nhau nướng ngô, hạt ngô khô nổ lục bục trong tro nóng như hoa; rồi nướng khoai, sắn, hạt mít thơm lừng; cũng có khi là nướng cá suối, cua đá, những con cua đá rất to, chảy nước xèo xèo trên than hồng nhìn đã mắt. 

Bên bếp lửa, những ngày mùa đông, gió núi lạnh buốt đuổi nhau lào xào trên mái cọ, nhiều gia đình ngồi ăn cơm cạnh bếp lửa, các em nhỏ học bài cạnh bếp lửa, rồi cả nhà quây quần cạnh bếp lửa đến khuya, hơi ấm hồng trên từng gương mặt. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, bên bếp lửa, ai cũng bận rộn, rối rít, bếp đỏ lửa cả ngày đêm, nồi bánh chưng sôi lục bục, chảo mật mía, chè lam thơm lừng. Những ngày tết, dưới gác bếp lủng lẳng bao nhiêu là lạp xưởng của người Tày, thịt sấy, một hai ngày đã săn lại, đỏ au… 

Giờ xã hội ngày càng phát triển, nhiều bản làng đã có nhiều nhà xây nhưng số đông vẫn ở nhà sàn. Những ngôi nhà sàn từ đời trước để lại cùng những ngôi nhà sàn mới được dựng bằng bê tông, nhiều nhà làm theo phong cách mới. Hầu hết các nhà chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện, nhưng nhiều nhà vẫn để không gian ấm áp, linh thiêng cho bếp củi, cũng giống như người dân vùng cao của huyện Lâm Bình, chân thành, mộc mạc và thắm đượm tình người.

 

 

Tạ Thành

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline