Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ ba, 09/11/2021 08:11
Thiennhienmoitruong - Các địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm áp lực lên khu bảo tồn biển (theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển).
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt nam, từ năm 2010 đã thiết lập 16 khu bảo tồn biển quốc gia, đến năm 2018 khoảng 10/16 khu bảo tồn biển trong quy hoạch đã được Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND các tỉnh thành lập Ban Quản lý. Mặc dù các cơ quan chủ quản đã có nhiều cố gắng trong quản lý, nhưng các vi phạm gây ảnh hưởng đến các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn phức tạp khiến công tác bảo tồn biển đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
(Ảnh minh họa)
Hiện tại các khu vực ven biển, ven đảo hoạt động san lấp, lấn biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn diễn biến hết sức phức tạp đã trực tiếp làm suy thoái, phá hủy các hệ sinh thái biển; tình trạng sử dụng hóa chất độc, chất nổ, xung điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển chưa được giải quyết triệt để…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần việc kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo tồn biển; đẩy nhanh việc điều chỉnh diện tích, ranh giới các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến khu bảo tồn biển, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay. Kiên quyết thu hồi diện tích biển, đảo, ven đảo thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nội dung được phê duyệt.
Một giải pháp nhằm giảm áp lực là không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển, khu vực có phân bố của các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Thẩm định chặt chẽ, đánh giá kỹ năng lực, điều kiện và tính khả thi đối với các dự án đầu tư, giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tại các khu vực ven biển, đảo..., phù hợp với quy hoạch ngành, không gây tổn hại đến sinh thái, môi trường tại khu vực biển, đảo, khu bảo tồn biển, đảm bảo quy định pháp luật, lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng.
Các địa phương cần xây dựng, phê duyệt kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển định kỳ hằng năm, 5 năm, 10 năm làm cơ sở bố trí chi ngân sách nhà nước cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác, nhằm giảm áp lực lên khu bảo tồn biển, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển…
Lê Hùng
Bình luận