Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ tư, 21/12/2022 15:12
TMO - Biển Đá Nhảy (huyện Bố Trạch) là một trong những bãi biển hoang sơ và địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, thu hút đông đảo du khách địa phương và trong nước. Thời gian gần đây, khu vực này đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi lượng lớn rác thải sinh hoạt.
Theo phản ánh của người dân khu vực, bãi biển Đá Nhảy bị đe doạ bởi rác thải vào những ngày cuối năm khi chưa được thu gom. Ghi nhận của PV tại Đèo Lý Hoà điểm giáp ranh giữa hai xã Hải Trạch và Thanh Trạch thuộc huyện Bố Trạch nơi có quốc lộ 1A trong chiều 20/12 cho thấy, bãi Đá Nhảy ngập toàn rác thải ngổn ngang. Theo quan sát, các loại rác ở đây chủ yếu là bao nilon, mảnh chai sành, vỏ chai nhựa, vỏ xốp và các thanh củi nhỏ gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Bãi biển Đá Nhảy- điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đang ngập tràn rác thải
Người dân địa phương đi thu lượm rêu xanh tại các vách đá bãi biển cho biết, các loại rác thải nhựa này bị sóng đánh vào bờ, chất thành đống ngay tại bãi tắm. Trước khi dạt vào bờ, phần lớn rác thải nhựa này do khách du lịch vứt bừa bãi ngay tại bãi biển khi và một phần rác thải trên đỉnh đèo theo dòng nước chảy xuống bãi biển.
Rác thải tại đây phần lớn túi nilon, bao bì, hộp xốp...
Một chủ kinh doanh ẩm thực tại biển Đá Nhảy cho biết các tổ chức, đoàn thể của xã Thanh Trạch cũng đã tổ chức thu gom rác thải tại bãi biển, song làm sạch hôm trước thì hôm sau lại xuất hiện rác thải mới. Nhiều nhóm khách đến đây mang theo đồ ăn, thức uống trước khi ra về thì họ vô tư vứt rác ngay tại bãi biển.
Ngoài khu vực biển Đá Nhảy, đèo Lý Hoà cũng đang tồn đọng lượng rác thải khá lớn. Rác thải được đổ thành bãi lớn, nhiều bao tải rác ngổn ngang ngay sát quốc lộ 1A. Tại đây, phế liệu xây dựng cũng được tập kết. Điều đáng nói, rác thải không được thu gom đúng nơi quy định mà lại tập kết ngay sát đường quốc lộ gây ô nhiễm môi trường và mất thẩm mỹ quan khi Tết Nguyên đán Quý Mão đã cận kề. Người dân hết sức lo lắng, nếu không có cách xử lý triệt để, càng về lâu rác thải được tập kết nhiều hơn, khi mưa xuống rác và nước từ bãi rác này sẽ chảy xuống bãi biển Đá Nhảy gây nên tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường của khu vực bãi biển Đá Nhảy.
Thực trạng trên không chỉ ô nhiễm môi trường bờ biển mà tạo ấn tượng không tốt cho du khách đến tham quan khu vực này. Chị Minh Hằng trú tại Đồng Hới đang tham quan gần đó cũng bày tỏ thất vọng khi chứng kiến cảnh mất vệ sinh trên bờ biển này. Chị Hằng chia sẻ:“ Thiên nhiên vốn rất đẹp nhưng chính con người lại không biết trân trọng, giữ gìn những gì tạo hoá ban cho. Thật là đáng tiếc cho một địa điểm được xem là danh thắng nơi đây”.
Tại đây đã cắm biển chỉ dẫn danh lam thắng cảnh ngã rẽ qua Đèo Lý Hoà nhưng rác thải xây dựng vẫn ngổn ngang không có ai thu gom. Hình ảnh được PV ghi nhận chiều 20/12 vừa qua.
Trong những năm qua, vẻ đẹp độc đáo của những dãy núi đá bị nước biển bào mòn tại Biển Đá Nhảy đã đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, tình trạng rác thải tràn ngập trên bãi biển thời gian gần đây chưa được xử lý triệt để đang ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường, cũng như vẻ đẹp vốn có của biển Đá Nhảy.
Bãi biển Đá Nhảy với vẻ hoang sơ, độc đáo thu hút khách du lịch tham quan
Theo khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nội dung bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; Giữ gìn vệ sinh công cộng; Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.
Tại khoản 1 Điều 73 của Luật này cũng quy định: Tổ chức, cá nhân nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 46 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng quy định: Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên đất liền trước khi thải xuống biển phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thiết nghĩ phát triển kinh tế biển mở ra một hướng đi mới cho người dân địa phương nơi đây. Tuy nhiên để đầu tư phát triển mô hình này, cần có sự chung sức của cộng đồng, du khách thập phương và dịch vụ nhà hàng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường cảnh quan trong xanh. Đặc biệt cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình để bãi biển đá nhảy trở thành một địa điểm du lịch đáng đến, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch xanh của địa phương.
Nguyễn Hoàng
Bình luận