Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 05:10
Thứ ba, 24/09/2024 15:09
TMO - Mới đây, cây gõ mật cổ thụ nằm trong khuôn viên chùa Thới Sơn, khóm Sơn Tây, tổ 2, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, (tỉnh An Giang) đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây cũng là cây gõ mật đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Trước đó, ngày 14/9/2024 chính quyền và người dân phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên đã long trọng tổ chức Lễ đón Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây gõ mật tại khuôn viên chùa Thới Sơn, khóm Sơn Tây, tổ 2, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Cần Thơ Lê Chí Linh đã đến tham dự và trao Quyết định, Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tham dự buổi Lễ còn có lãnh đạo thị xã Tịnh Biên, phường Thới Sơn, cùng đông đảo người dân địa phương, du khách đến hành hương, chiêm bái.
Các vị đại biểu mở văn bia Cây Di sản.
Cây gõ mật (Sindora cochinchinensis H.Baill) tại khuôn viên chùa Thới Sơn, khóm Sơn Tây, tổ 2, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang cũng là cây gõ mật đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Quá trình bảo vệ cây cổ thụ, Cây Di sản nói chung và cây gõ mật nói riêng cũng là bảo vệ giá trị cốt lõi của cuộc sống. Đây không chỉ là tài sản sinh thái quý báu của nhân dân trong khu vực tỉnh An Giang mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của các thế hệ tiền nhân đi trước. Từ đó khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương khi có cây quý trong vùng, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ, Cây Di sản cho cộng đồng.
Được biết, buổi Lễ đón Bằng và Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây gõ mật cổ thụ trên được tổ chức cùng với Lễ giỗ Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên lần thứ 168. Cụ Đoàn Minh Huyên sinh ngày 15/10/1807, quê làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), là người đã sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và có công dẫn dắt người dân lập nên 2 làng Hưng Thới, Xuân Sơn, nay là phường Thới Sơn. Đồng thời, cụ cũng lập nên 3 cơ sở thờ tự là chùa Phước Điền (Trại Ruộng), đình Thới Sơn (Trại Rẫy) và chùa Thới Sơn (chùa Phật). Hàng năm, lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên thu hút khoảng 50.000 – 60.000 người dân, du khách đến hành hương, chiêm bái và trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc của phường Thới Sơn và thị xã Tịnh Biên.
Thùy Dung
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận