Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ tư, 06/11/2024 06:11
TMO – Delhi (Ấn Độ) muốn sử dụng mưa nhân tạo tạo thông qua phương pháp gieo muối vào mây để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thành phố này.
Thông tin từ Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Gopal Rai, Delhi đang muốn sử dụng mưa nhân tạo để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng trong khu vực.
Cụ thể, mưa nhân tạo sẽ được tạo ra thông qua phương pháp gieo muối vào mây. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ kêu gọi triệu tập một cuộc họp để sớm đưa ra quyết định sau cùng về việc có sử dụng tới biện pháp kể trên hay không. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng, lượng mưa tạo ra sẽ giúp loại bỏ ô nhiễm khỏi không khí.
Thành phố Delhi là một trong những nơi ô nhiễm nghiêm trọng tại Ấn Độ. (Ảnh minh hoạ: AP).
Năm 2023, một kế hoạch tương tự cũng đã từng được đề ra nhưng bất thành do điều kiện thời tiết không ủng hộ. Trước đó, trong nhiều ngày liên tiếp, các trạm quan trắc tại Delhi cho thấy, chỉ số AQI tại thành phố này đều ở mức rất cao. Điển hình như vào ngày hôm nay, 5/11, chỉ số này đã lên tới hơn 400 – mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đặc biệt người bệnh.
Ô nhiễm không khí cũng khiến cho số bệnh nhân phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng nhanh. Viện Chính sách năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng có thể làm giảm tuổi thọ của mỗi người dân Nam Á hơn 5 năm.
Trong khi đó, theo xếp hạng của IQAir, Delhi đang là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới chỉ sau Lahore ở nước láng giềng Pakistan, nơi chính quyền cũng đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau mức ô nhiễm chưa từng có.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, chất lượng không khí ở thành phố Delhi thường xấu đi hàng năm trước mùa đông, khi không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm từ những nguồn như xe cộ, công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp.
Tuấn Minh
Bình luận