Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 09:09
Thứ ba, 19/03/2024 09:03
TMO - 6 cây cổ thụ có tuổi từ 100 đến gần 1.000 năm nằm trên địa bàn xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Theo đó, 6 cây cổ thụ tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể gồm: 1 cây thị, 1 cây sanh và 4 cây đa.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (đứng giữa); GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (đứng thứ 4 từ trái sang) tới dự và tặng hoa chúc mừng cho chính quyền địa phương.
Cụ thể, cây thị ước tính gần 1.000 năm tuổi có chiều cao 20m, chu vi 9,5m nằm trong khuôn viên Đình Hạ, khu 4, xã Quang Húc (nơi thờ Trung Sơn đại Vương là danh tướng thời Hùng Vương); Cây sanh miếu Nhà Bà toạ lạc tại miếu Quế Hoa ước tính hơn 100 năm tuổi, có chiều cao 18m, chu vi cả rễ phụ là 10,5m.
Cây thị gần 1000 năm tuổi trên địa bàn xã Quang Húc vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
4 cây đa cổ thụ là cây đa Cổng Cái, cây đa chùa Khánh Linh, cây đa Bến Chợ, cây đa Tân Dân. Trong đó, cây đa Cổng Cái có chiều cao 15 m, chu vi 10 m kể cả rễ phụ, tuổi cây ước tính khoảng 300 năm, tọa lạc tại Khu 6; Cây đa chùa Khánh Linh với chiều cao 25 m, chu vi 9 m kể cả rễ phụ, tuổi cây ước tính khoảng 300 năm tại Khu 8; Cây đa Bến Chợ cao 25 m, chu vi 16 m kể cả rễ phụ, tuổi cây ước tính khoảng 300 năm tại Khu 6; Cây đa Tân Dân cao 25 m, chu vi 13 m kể cả rễ phụ, tuổi cây ước tính khoảng 250 năm; tọa lạc tại Khu 3 trên địa bàn xã Quang Húc.
Trong đợt xét duyệt này, 4 cây đa cổ thụ trên địa bàn xã Quang Húc cũng được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Các cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam đều gắn với các yếu tố lịch sử, và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Là minh chứng cho quá trình kháng chiến, bảo vệ tổ quốc của các thế hệ tiền nhân đi trước. Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp hầu hết các cây cổ thụ đều là điểm gác hoặc điểm dừng dân của quân và dân ta.
Cây sanh miếu Nhà Bà toạ lạc tại miếu Quế Hoa, xã Quang Húc.
Trước đó, sáng ngày 18/3 chính quyền và nhân dân xã Quang Húc đã long trọng tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam. Lãnh đạo UBND xã Quang Húc cho biết, sự kiện đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các cây cổ thụ tại địa phương. Đây là báu vật mà các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Xã Quang Húc cùng cộng đồng người dân sẽ tiếp tục tìm kiếm để vinh danh, công nhận thêm các cây cổ thụ đủ điều kiện là Cây Di sản Việt Nam. Nhờ có Cây Di sản, xã Quang Húc sẽ trở thành điểm đến du lịch thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Chính quyền địa phương cùng đông đảo người dân tại Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn xã Quang Húc.
Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia trồng cây lưu niệm tại địa phương.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng chính quyền địa phương đã tiến hành trồng cây lưu niệm đầu xuân tại đình làng.
Quang Húc là xã Việt cổ miền núi nằm ở phía Tây của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện 15km, cách các Chiến khu kháng chiến ở vùng Tây Bắc không xa; diện tích tự nhiên của xã là hơn 731ha; dân số hơn 4,5 nghìn người, được chia làm 9 khu dân cư.
Trên địa bàn xã có nhiều di tích tiêu biểu, như: Di chỉ Đồng Ba Trăm thuộc thời kỳ hậu đồ đá mới, Đình Quang Húc thờ Đức thánh Tản Viên được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia; Chùa Khánh Linh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Đền Thượng Sơn thờ danh tướng thời kỳ Hùng Vương; Miếu thờ các nữ tướng thời đại Hai Bà Trưng. Hệ thống cây cổ thụ ở xã Quang Húc mang lại giá trị văn hóa vô cùng to lớn, ngoài tác dụng sinh thái, nhiều cây còn là dấu ần lịch sử rất thiêng liêng; có cây còn mang cả tên xóm, tên làng, tên địa danh quen thuộc.
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
PV và CTV
Bình luận