Hotline: 0941068156

Thứ hai, 20/01/2025 16:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ hai, 20/01/2025

10 sự kiện nổi bật về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường trong năm 2022

Thứ ba, 10/01/2023 19:01

TMO - Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực 1/1/2022; Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…Là những vấn đề, sự kiện được nhiều bạn đọc quan tâm trong năm 2022.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường bình chọn 10 vấn đề, sự kiện nổi bật về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và môi trường được nhiều bạn đọc quan tâm trong năm 2022.

1. Chính phủ Ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2. Thủ tướng thị sát dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc nhằm mở rộng quy mô sản xuất kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có (công suất 180.000 tấn urê/năm) bằng cách chuyển đổi công nghệ sử dụng nguyên liệu từ than cục (nguồn có giới hạn) sang than cám nhằm tăng thêm 320.000 tấn để đạt tổng cộng 500.000 tấn urê/năm (sản phẩm trung gian amoniac lỏng 300.000 tấn/năm), tăng sức cạnh tranh sản phẩm và bảo đảm môi trường. Tổng mức đầu tư dự án 568,6 triệu USD, tương đương 10.122 tỷ đồng, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Dự án được khởi công tháng 11/2010, hoàn thành tháng 4/2015 và đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dự án đã chậm tiến độ, chưa thể đưa vào vận hành gây lãng phí và là một trong những dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương. Phát biểu ý kiến sau khi đi thị sát thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã xử lý 5/12 dự án thua lỗ ngành công thương, còn 7 dự án đang nghiên cứu phương án xử lý, trong đó có dự án mở rộng, cải tạo Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng chưa hiệu quả; chi phí đầu vào tăng lên, không đủ sức cạnh tranh, "nợ chồng nợ". Nguyên nhân quan trọng nhất là vi phạm trong quá trình phê duyệt, tổng mức đầu tư không phù hợp tại thời điểm lúc bấy giờ, do đó khó trả nợ. Hiện nay, còn một số vướng mắc về tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu; vướng mắc về tài chính; chi phí đầu vào cao, cho nên sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ. Vướng mắc nữa là về vấn đề môi trường: cả trong và ngoài nhà máy đang phức tạp, nghiêm trọng, thiếu các hệ thống thu gom chất thải. Theo Thủ tướng, bao giờ một nhà máy cũng phải có đủ hệ thống này để bảo vệ môi trường; mối liên hệ giữa hai nhà máy cũ và mới vẫn “lộn xộn”, từ đó môi trường rất ô nhiễm.

3. Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực 1/1/2022

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Luật gồm 16 Chương, 171 Điều với các điểm mới quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; Định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…

4. Nhiều địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ bất thường

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 2/10, mưa lũ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm nhiều người chết (Nghệ An, Hà Tĩnh). Mưa lũ làm 26 ngôi nhà bị thiệt hại trên 70%; 143 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 55 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hơn 2.000 hộ phải di dời; 14.033 nhà bị ngập (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa). Mưa lũ cũng làm 11.435 ha lúa, hoa màu; hơn 3.800 ha cây công nghiệp, ăn quả, hằng năm, lâu năm; gần 135 ha rừng; trên 9.000 ha ao hồ; hơn 710 tấn muối bị thiệt hại; 155.340 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 127 điểm trường bị ảnh hưởng, 4 phòng họp bị tốc mái; 9.150 m kênh mương; 26 đập loại nhỏ bị hư hỏng; 82 cầu, cống bị hư hỏng; 1.550 m bờ sông bị sạt lở; trên 75.800 m3 đất đá sạt lở ; 112 cầu, cống bị hư hỏng; 29 vị trí bị ngập; 100 vị trí bị sạt lở; 51 cột điện, trên 5.500m tường rào bị đổ…Tại tỉnh Vĩnh Phúc, mưa lớn liên tiếp kéo dài nhiều ngày khiến diện tích ngập úng trên địa bàn khá lớn với 8.087 ha bị ngập. Cụ thể, đối với cây lúa diện tích bị ngập lên tới hơn 6.233 ha; cây rau màu 1.443 ha và diện tích thủy sản gần 248 ha... Điều đáng nói hầu hết diện tích lúa đang ở thời kỳ mới trổ bông và chuẩn bị thu hoạch. Mưa lớn cũng gây ra các sự cố công trình, hơn 200 m kênh mương thủy lợi tại các huyện Sông Lô và Lập Thạch bị đổ vỡ cùng hàng trăm mét mái kênh bị sạt lở ở một số địa phương trong tỉnh.

5. Liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum

Trong ngày 23 và ngày 24/8, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-4,7 độ richter. Trận đầu tiên độ lớn 4,7 gây rung chấn mạnh nhất ở Kon Tum từ trước tới nay liên quan động đất. Người dân các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc. 11 trận sau đó độ lớn 2,5-2,9. Trận gần nhất xảy ra lúc 1h21 hôm nay độ lớn 2,5. Các trận động đất khiến mái ngói của một hộ dân ở xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đổ sập; chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong năm 2022, khu vực Tây Nguyên (đặc biệt tại Kon Tum) liên tiếp xảy ra các trận động đất, Thủ tướng đã gửi công điện yêu cầu tỉnh Kon Tum và Quảng Nam theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất... Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu chủ trì, phối hợp Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm tại khu vực động đất và đề xuất giải pháp ứng phó.

6. Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị

Chương trình nhằm triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW; xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan cùng hành động để phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của đất nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

7. Lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Với tầm quan trọng của dự án Luật, UBTVQH cũng ban hành Kế hoạch 329/KH-UBTVQH15 trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm chuẩn bị chu đáo cho quá trình xây dựng, xem xét, thảo luận, tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

8. Phát hiện doanh nghiệp chôn giấu hơn 42 tấn chất thải nguy hại

Trong các ngày 22 và 23/4, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP. Biên Hòa cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tiến hành khai quật các vị trí bên trong Xí nghiệp đèn ống, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Qua đó, phát hiện hơn 42 tấn chất thải nguy hại, trong đó tại hầm bê tông bên trong xí nghiệp có gần 15 tấn, khu vực ngoài sân là hơn 27 tấn. Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Xí nghiệp đèn ống, Công ty Bóng đèn Điện Quang xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Số chất thải được phát hiện này gồm miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải. Theo cơ quan chức năng, trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh nên độc hại nếu không được xử lý theo quy định. Đây là một trong những vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

9. Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải

Tại Công văn số 3372/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phòng, chống và ngăn chặn được các đối tượng, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nước trái phép. Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành địa phương trong quá trình theo dõi, nắm tình hình trong thời gian tới để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi. Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt hàng triệu người dân ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Từ đó, góp phần quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và cải thiện môi trường sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng xả thải ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường dòng sông và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.

10. San hô ở vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) chết hàng loạt

Cuối tháng 5, nhiều du khách thuê tàu đến đảo Hòn Mun (vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang) để trải nghiệm lặn biển. Tuy nhiên, khi lặn xuống, nhiều du khách phát hiện dưới đáy biển tan hoang, san hô chết hàng loạt. Qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo của Ban quản lý vịnh Nha Trang, bước đầu cho thấy việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương). Về chủ quan, rạn san hô chết là do công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Để phục hồi rạn san hô, TP Nha Trang đã tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang. Đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái.

 

 

 TS

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline